Bloomberg: Chiến tranh thương mại khiến Việt Nam trở thành thị trường béo bở của cho vay hợp vốn

Trí thức trẻ/Bloomberg|06/06/2019 08:18

(VLR) Khối lượng cho vay hợp vốn bằng USD của Việt Nam đã đạt 2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước.

Các công ty Việt Nam hiện nay đang vay nhiều hơn bao giờ hết trong vòng 6 năm trở lại đây

Các công ty Việt Nam hiện nay đang vay nhiều hơn bao giờ hết trong vòng 6 năm trở lại đây

Trong khi cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang kéo dài, Bloomberg lại tìm ra một chiến thắng mới: thị trường vốn nước ngoài ở Việt Nam - đặc biệt là thị trường vay hợp vốn. Các công ty Việt Nam hiện nay đang vay nhiều hơn bao giờ hết trong vòng 6 năm trở lại đây và dĩ nhiên, nhiều tổ chức cho vay sẽ rất mừng vì điều này.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á, hưởng lợi từ việc nhiều công ty rời Trung Quốc sang Việt Nam tránh thuế, thị trường cho vay đang bùng nổ và sinh lợi rất nhiều cho các ngân hàng. Theo số liệu được tổng hợp bởi Bloomberg, mặc dù thị trường này ở Việt Nam còn non trẻ, khối lượng cho vay hợp vốn bằng USD đã đạt 2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước.

Cho vay hợp vốn (cho vay đồng tài trợ) là hình thức cấp tín dụng thông qua việc tham gia tài trợ vốn của từ hai tổ chức tín dụng trở lên, trong đó có một tổ chức tín dụng đứng ra làm đầu mối.

Ở Đông Nam Á, khối lượng cho vay hợp vốn là 58,6 tỷ USD trong năm 2018, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu mức cao nhất từ năm 2014 (81,6 tỷ USD). Khối lượng cho vay hợp vốn của Việt Nam ở mức 3,6 tỷ USD trong năm 2018, tăng 6% so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2017

Bryan Liew, giám đốc điều hành hoạt động cho vay khu vực ASEAN ở Standard Chartered Plc đánh giá: "Việt Nam là một điểm sáng trong thị trường cho vay hợp vốn ở ASEAN. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi vốn sản xuất của ​​Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại".

Sự bùng nổ của thị trường vay hợp vốn Việt Nam diễn ra khi khối lượng cho vay ở khu vực Đông Á không bao gồm Nhật Bản (Asia ex-Japan) đã giảm khoảng 25% từ đầu năm đến nay, với sự sụt giảm mạnh nhất được thấy ở Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng sâu sắc.

Ít nhất 1,4 tỷ USD đang trong kế hoạch giao dịch, bao gồm cả các khoản vay từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Các khoản vay của Việt Nam vẫn chỉ chiếm khoảng 4% thị trường ASEAN. Giao dịch hợp vốn của Việt Nam đang sinh lời béo bở nhất khu vực.

Việt Nam cũng đồng thời là một trong những nguồn hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng nhanh nhất từ ​​châu Á trong quý trước. Theo báo cáo của Nomura trong tuần này, Việt Nam có thể đạt xuất khẩu chiếm tới 7,9% tổng sản phẩm quốc nội từ hoạt động chuyển hướng thương mại.

Asia ex-Japan là một thuật ngữ được sử dụng trước đây để chỉ tất cả các nước ở Đông Á ngoại trừ Nhật Bản. Asia Ex-Japan bao gồm một số nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Nhật Bản bị loại trừ vì được coi là một quốc gia phát triển; đầu tư vào Nhật Bản mang rủi ro thấp hơn và lợi nhuận thấp hơn. Khái niệm này hiện nay nhiều chuyên gia cho là không còn chính xác nữa vì sức ảnh hưởng của kinh tế Hàn và Trung cũng đã rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bloomberg: Chiến tranh thương mại khiến Việt Nam trở thành thị trường béo bở của cho vay hợp vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO