Báo cáo tóm tắt thuyết minh Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP, Công ty Encity Urban Solutions Pte.Ltd của Singapore và Công ty Sasaki Associates, Inc của Hoa Kỳ) nêu sự cần thiết lập Đồ án. Đồng thời cho biết, phạm vi khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ khu vực thuộc địa giới hành chính của thành phố Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 211,56 km2, dân số 1.285.863 người (tính đến ngày 31/12/2023).
Mục tiêu quy hoạch nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đáp ứng mục tiêu đưa Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và quốc gia; đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Thủ Đức; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số; hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thành phố Thủ Đức được quy hoạch với tính chất là đô thị loại I trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo; là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của Thành phố và vùng Thành phố Hồ Chí Minh; là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu Thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Long Thành; kết nối các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng Thành phố Hồ Chí Minh như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Thuận An, Dĩ An, Phú Mỹ, Vũng Tàu.
Đồ án dự báo quy mô dân số Thành phố Thủ Đức đến năm 2030 đạt khoảng 1.500.000 người; đến năm 2040 đạt khoảng 2.200.000 người; giai đoạn sau năm 2040 đạt khoảng 3.000.000 người.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá Báo cáo thuyết minh đồ án được xây dựng công phu, chuyên nghiệp; thông tin, số liệu đa dạng, bao phủ tương đối đầy đủ các lĩnh vực phát triển của Thành phố Thủ Đức; các đề xuất, định hướng phát triển Thành phố Thủ Đức giai đoạn đến năm 2040 đã cơ bản giải quyết được những tồn tại hiện nay, đồng thời hứa hẹn tạo được động lực mới cho Thành phố trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thành viên Hội đồng, đơn vị tư vấn cần phối hợp với UBND Thành phố Thủ Đức cập nhật, bổ sung số liệu mới nhất có liên quan; làm rõ hơn lưu vực thoát nước, hệ thống thoát nước đô thị; chú trọng tạo dựng cảnh quan đô thị dựa trên hệ sinh thái tự nhiên của thành phố; cần rà soát quy hoạch khu công nghệ cao, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu Thủ Thiêm; phân tách rõ các nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch; đánh giá kỹ hơn vai trò của Thủ Đức đối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Thành phố Hồ Chí Minh; chú ý bảo vệ môi trường, khai thác, quản lý không gian ngầm.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Thành phố Thủ Đức là thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đầu tư xây dựng, phát triển Thành phố Thủ Đức; sự phối hợp chặt chẽ của UBND Thành phố Thủ Đức với đơn vị tư vấn trong quá trình lập quy hoạch; đồng thời cho biết việc lập Đồ án Quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức đến năm 2040 tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành, nội dung Đồ án bám sát Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng.
Để khai thác, phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố Thủ Đức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị đơn vị tư vấn và UBND Thành phố Thủ Đức tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của đại diện các bộ ngành, thành viên Hội đồng. Bên cạnh đó, tập trung bổ sung, hoàn thiện căn cứ lập quy hoạch; rà soát, đảm bảo chính xác, thống nhất thông tin, số liệu, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch này với các cấp độ quy hoạch có liên quan; đánh giá đầy đủ việc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát các chỉ tiêu đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan; quan tâm phát triển hệ thống giao thông kết nối nội thị, liên vùng; làm rõ hơn hành lang bảo vệ nguồn nước; định hình rõ các trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, hệ thống công viên cây xanh đô thị, trục không gian chính; thể hiện rõ hơn nội dung quy hoạch, phát triển không gian ngầm; quan tâm bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đồ án để Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.