Theo kịch bản phát triển mà đơn vị tư vấn đưa ra, mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là TP biển, đô thị toàn cầu, bền vững, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Là TP có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính… có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành TP biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng cần điều chỉnh cách thể hiện quy hoạch để người dân đang sống ở TP thấy được lợi ích và giá trị mang lại khi thực hiện hai quy hoạch quan trọng này.
Vấn đề trực diện với người dân là làm sao nâng cao mức sống, điều kiện hưởng thụ khi là công dân TP” - ông nói và nhìn nhận khi TP xây dựng quy hoạch, chủ thể hưởng lợi vẫn phải là người dân, doanh nghiệp. Ông cho rằng cần làm rõ điều này để người dân thấy mình là trung tâm của quy hoạch và đồng tác giả khi triển khai quy hoạch này.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng cần nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng sống của người dân, TP là nơi xứng đáng để nhà đầu tư trên thế giới tìm đến. Riêng với khái niệm đô thị toàn cầu, TP biển cần được cân nhắc.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu lưu ý đến yếu tố gìn giữ giá trị văn hóa, gắn với quy hoạch của TPHCM. Từ xưa đến nay, TPHCM là điểm đến của cuối cùng của cư dân miền Tây Nam bộ. Cho nên, với tình trạng biến đổi khí hậu và sự thay đổi cơ cấu kinh tế sắp tới thì việc chuyển dịch kinh tế của TP không thể không có vai trò liên quan đến miền Tây Nam bộ. Đối với đất của văn hóa di sản thì trong quy hoạch TP cần lưu ý không chỉ có những di tích hiện hữu trên mặt đất mà còn là những di tích dưới lòng đất. Vì di tích dưới mặt đất còn cho chúng ta tài nguyên. Điều này để tránh khi xây dựng các công trình thì lại phá bỏ di tích, đặc biệt là khu trung tâm và khu liên quan.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương, các chuyên gia cũng đã nêu những ý kiến thiết thực để xây dựng quy hoạch chung cho TP…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định đây là giai đoạn về đích trong xây dựng quy hoạch TP.HCM, do đó cần tập trung thời gian, nhân lực để hoàn thiện tốt nhất có thể.
Với những vấn đề còn chưa rõ đề nghị tổ chức các hội nghị chuyên đề, phân tích, đánh giá để đi đến kết luận thống nhất. Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi giao cho các sở, ngành có những đề xuất cụ thể để bổ sung, hoàn thiện tốt nhất hai dự thảo quy hoạch.
“Quy hoạch TP.HCM phải làm sao đủ rõ, đủ khả thi để làm nhưng cũng có linh hoạt nhất định, độ mở không quá mở nhưng phải mở chứ không trói, đặc biệt không tự trói chân mình.
Chúng ta quy hoạch tới đâu để quy định tổ chức thực hiện được ngay, không cần quy định chi tiết, cụ thể nữa nhưng cũng không chi tiết tới mức khi ban hành ra lại không làm được, phải sửa đổi. Và Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP phải chịu trách nhiệm tham mưu kế hoạch triển khai các quy hoạch này để thực hiện ngay sau khi được phê duyệt..
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở KH-ĐT chốt kịch bản chọn về dân số, tăng trưởng GRDP... Theo Chủ tịch, trong bối cảnh hiện nay, TPHCM khó tăng trưởng hai con số nhưng mục tiêu ít nhất phải bằng chỉ tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đề ra. Đồng thời, sở phải xác định các điều kiện, giải pháp để thực hiện.