Cà Mau không chỉ đẹp trong văn chương

MINH NGUYỆT|07/03/2024 15:11

Cà Mau vùng đất mũi, vùng cực Nam xa xôi của Tổ quốc. Người ta ít đến Cà Mau, cũng ít nhắc về Cà Mau trong mỗi dự định du lịch của mình. Có lẽ, vì nơi đây xa xôi hoặc người ta lo ngại đường đi nhiều gian nan, trắc trở. Có lẽ vì thế mà trước nay trong ý niệm của nhiều người vùng đất với sông ngòi kênh rạch chằng chịt chỉ phần nhiều trong văn chương của Đoàn Giỏi, hay Nguyễn Ngọc Tư mà thôi.

Tên gọi Cà Mau vốn cách gọi của đồng bào Khmer là Tưk-Kha-mau, có nghĩa là Nước đen. Vì lý do lá tràm của thảm rừng tràm rụng xuống làm thay đổi màu nước. Từ thế kỉ XVI - XVII những lưu dân Việt, Hoa, Khơ-mer đã đến nơi đây sinh sống và lập lên xã Cà Mau, qua nhiều thăng trầm và biến chuyển của lịch sử đất nước mà vùng đất ấy thành tỉnh Cà Mau, vùng đất mũi cuối cùng bản đồ Việt Nam như bây giờ.

camau-84-10-4-13.jpg

Về Cà Mau, đi chợ Gành Hào nghe điệu hoài lang

Khu vực Gành Hào nằm ở địa phận hai tỉnh, một bên là thị trấn Gành Hào thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, một bên là xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi của tỉnh Cà Mau.

Con sông Gành Hào vốn nổi tiếng ngọt ngào trong bản nhạc trữ tình của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mỗi đoạn lại mang một vẻ đẹp riêng. Khách đến Cà Mau thường ngồi trên thuyền để ngắm nhà cửa san sát, những bến đò và nhà xưởng... bên sông. Để thấy màu nước ngầu lên sắc đỏ phù sa, như niềm nhung nhớ đất liền trước khi con sông về với biển khơi.

Hai bên bờ sông dù đậm sắc xanh của những cây đước, cây bần, mênh mông trải dài, nhưng đâu đó vẫn những xóm làng phía xa, những chiếc ghe thương hồ đủ hàng hóa, màu sắc neo đậu ở một bến sông nào đó, cũng rộn rã sắc màu, cũng vui nhộn êm đềm với đời sống vùng sông nước, nơi đây chẳng buồn bã, ảm đạm như những câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thường viết. Nơi đây dù cũng có những phận đời mưu sinh trên dòng sông thăm thẳm, nhưng dòng sông cũng chẳng phụ bạc con người, sản vật mà nó mang lại cũng trở thành đặc sản trứ danh của vùng như tôm khô, cá khô...

Chợ nổi trên con sông Gành Hào cũng là một đặc trưng độc đáo vùng sông nước. Chợ nổi sôi động vào buổi sáng với đa dạng sắc màu cây trái của vùng miệt vườn Nam bộ, và khác với buổi sáng rộn ràng, chiều xuống chợ nổi yên bình đẹp đẽ trong cảnh sinh hoạt đời thường. Vài chiếc thuyền im ắng nghe rõ cả thanh âm tiếng sóng mơn man mạn thuyền, hình ảnh mẹ nấu cơm chiều và những đứa trẻ ngồi câu cá bên sông tạo nên một khung cảnh đặc trưng vùng sông nước ấn tượng với du khách.

camau-474-10-2-33.jpg

Du khách tới vùng đất này dường như đều chung cảm nhận, phải đi thuyền trên sông Gành Hào, nhìn cảnh vật và nhịp sống hai bên bờ sông và nghe câu hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” mới thấy cái tình sông nước, cái lẻ loi của người cô phụ thấm đẫm trong tâm hồn, để tưởng tượng chắc trong đêm thanh nào đó nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng lênh đênh trên dòng đêm ấy nghe điệu Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu mà cảm tác nên ca khúc trữ tình tuyệt tác ấy.

Rừng quốc gia U Minh Hạ - khu rừng của miền đất phương Nam

Rừng U Minh vốn là khu rừng nổi tiếng trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Nhà văn đã đưa người đọc đến với vùng đất trù phú, nhiều ưu đãi nhưng cũng rình rập đầy nguy hiểm của vùng đất hoang dại.

Về Cà Mau đi rừng U Minh Hạ thăm quê hương của bác Ba Phi, du khách chủ yếu được di chuyển bằng đường thủy, thường là những chiếc vỏ lãi vì nhỏ để có thể xuôi theo những dòng sông, những kênh rạch đúng với tên gọi “vùng sông nước”. Qua dòng sông với cái tên mộc mạc như Trèm Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc để đến với rừng tràm U Minh Hạ. Rừng tràm U Minh Hạ ở địa phận Cà Mau, tiếp giáp với rừng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Diện tích khoảng 35.000ha trong đó có hệ sinh thái rừng tràm với 6 tháng ngập mặn và 6 tháng khô hạn.

Rừng U Minh Hạ khác biệt hoàn toàn với những khu rừng trên núi cao khác. Từ thảm thực vật đến các loại sinh vật đặc trưng. Vì là rừng ngập nước nên nơi đây có nhiều loại cá từ nước ngọt đến nước lợ sinh sống trú ngụ. Nơi đây cũng có nhiều loại động vật như nai, khỉ, heo, chồn, đặc biệt là trăn, rắn...

camau-184-9-46-21(1).jpg

Đặc biệt, phải kể đến sản vật đặc trưng của rừng U Minh đó là ong, những con ong dưới tán rừng tràm, hút mật từ nhuỵ hoa vàng của những bông tràm để xây tổ. Vào mùa ăn ong, du khách có thể theo người dân đi lấy mật ong, thưởng thức ong non vừa cắt xuống với chút mật rừng tràm để nghe vị ngọt thanh mát quyện nơi đầu lưỡi.
Rừng U Minh Hạ cũng ưu đãi người dân bằng đặc sản sau mỗi lần tát đìa, bắt cá. Cá nướng thơm lừng, ngon ngọt cùng với lẩu mắm nấu cùng bông súng, bông điên điển vừa hái, món chuột đồng, hay gỏi bồn bồn cũng là những đặc sản khiến du khách say lòng, khó phai với vùng đất dung dị nhưng giàu có này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau không chỉ đẹp trong văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO