Các giải pháp di dời hoạt động sản xuất kinh doanh tại Cảng Hoàng Diệu

Tuệ Minh|06/08/2022 14:56

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng về các giải pháp di dời hoạt động sản xuất kinh doanh từ khu vực Cảng Hoàng Diệu.

cang-hoangdieu1.jpg
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hoàng Diệu (ảnh: CTCP Cảng Hải Phòng).

Tại buổi làm việc, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã báo cáo về các nội dung liên quan đến Đề án di dời Cảng Hoàng Diệu theo quy hoạch của thành phố và quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãnh đạo Cảng Hải Phòng cũng nêu ra các giải pháp thực hiện Đề án trong đó nhấn mạnh phương án sử dụng nguồn nhân lực, công tác bố trí điều chuyển phương tiện thiết bị, phương án sản xuất kinh doanh theo từng giai đoạn và tiến độ di dời Cảng Hoàng Diệu đảm bảo lấy khách hàng làm trung tâm để sắp xếp, dồn dịch các khu vực Cảng của Cảng Hải Phòng và VIMC phục vụ tốt yêu cầu của các khách hàng, nhất là các khách hàng truyền thống.

Đồng thời, đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các Bộ, ngành và UBND thành phố Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Cảng Hải Phòng trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời cảng đồng thời đảm bảo phát triển ổn định doanh nghiệp.

Tiếp đó, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam yêu cầu Cảng Hải Phòng phải chuẩn bị mọi phương án thật kỹ lưỡng, bài bản cho việc di dời Cảng Hoàng Diệu đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội cho người lao động.

Để làm được điều đó, Cảng Hải Phòng cần đánh giá lại toàn bộ phương án tiếp nhận hàng hóa giữa các đơn vị trực thuộc và trong hệ thống của VIMC, từ đó đưa ra phương án quy hoạch sắp xếp, rà soát, đánh giá lại lực lượng lao động, lên kế hoạch đào tạo, phân bổ lao động phù hợp sau khi di dời Cảng Hoàng Diệu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng lưu ý đến vấn đề đầu tư phát triển mở rộng và đầu tư chiều sâu, tái cấu trúc lại Cảng theo hướng quản trị hiện đại, nhanh gọn, hiệu quả hơn; nâng cao năng suất chất lượng lao động thông qua cải cách bộ máy, cơ cấu lại phòng ban, tiến tới số hóa các tác nghiệp tại Cảng để nâng cao năng lực cạnh tranh đảm bảo nền tảng phát triển bền vững cho Cảng Hải Phòng trong giai đoạn mới.

Bến cảng Hoàng Diệu nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874, là một trong 3 bến cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng, có hệ thống đường sắt kết nối đồng bộ với đường sắt quốc gia (Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai). Bến cảng gồm 11 cầu cảng với 1.717 m dài, tổng diện tích kho hàng là 31.320 m2, diện tích bãi hàng là 163.000 m2 cùng hệ thống các công trình phụ trợ. Bến cảng Hoàng Diệu chủ yếu tiếp nhận các loại hàng rời phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là bến cảng có giá thành vận tải hàng hóa thấp nhất trong các cảng hiện nay tại Hải Phòng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực khi 52% lượng hàng tổng hợp (ngoài container) và 73% hàng nhập khẩu của khu vực thông qua bến cảng này.

Theo Quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng phát triển không gian đô thị, đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Về quy hoạch giao thông đường bộ, sẽ xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm.

Còn theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu; lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.

Trước đó, năm 2018, Bộ Giao thông vận tải có đề xuất gửi Chính phủ phương án di dời bến cảng Hoàng Diệu thuộc hệ thống cảng Hải Phòng. Kinh phí di dời dự kiến lên tới 1.826,2 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn.

Bài liên quan
  • Lượng container xuất, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng tăng 4,2%
    (VLR) Quý I/2022 đặt ra nhiều thử thách đối với các cảng biển nói chung và Cảng Hải Phòng nói riêng do ảnh hưởng của tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu, thiếu thiết bị, năng lực vận chuyển container hạn chế và giá nhiên liệu tăng cao.Trong tình hình khó khăn đó, Cảng Hải Phòng đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp trong các mặt công tác trọng tâm, đặc biệt là công tác thị trường và tổ chức điều hành sản xuất, cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp di dời hoạt động sản xuất kinh doanh tại Cảng Hoàng Diệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO