(Vietnam Logistics Review) Những cuộc họp đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã không ít lần đề cập, nhắc lại chủ trương phát triển Hệ thống Logistics Việt Nam, trong đó đáng chú ý là Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14.2.2017 “Về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025”. Bởi đó chính là hạ tầng thương mại có vai trò, vị trí rất quan trọng và cần thiết trong phát triển kinh tế của đất nước.
Logistics là một hoạt động thương mại, theo đó là một chuỗi liên hoàn các khâu, mà mỗi khâu là sự tích hợp của nhiều dịch vụ được quản lý điều hành theo sát dòng vận động của vật chất - hàng hóa, từ điểm cuối của sản xuất đến điểm đầu của tiêu dùng với mục tiêu giảm thiểu tối đa chi phí. Ở các nước (gần Việt Nam như Singapore…), logistics luôn bên cạnh các kênh lưu thông hàng hóa “như hình với bóng”, quyết định việc giảm thiểu chi phí cho hoạt động của kênh này, với mục tiêu giảm thiểu chi phí chung cho cả nền kinh tế, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn “đang trong thời kỳ đầu của sự phát triển” so với các nước có hệ thống logistics tiên tiến. Các dịch vụ logistics ở Việt Nam còn ở dạng “bán chuyên nghiệp”, mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của “thị trường này” và mới cung cấp được một số ít các dịch vụ. So với tiềm năng to lớn về phát triển dịch vụ logistics, thì hạ tầng cho logistics của chúng ta còn nghèo nàn, quy mô nhỏ ở trình độ thấp, bố trí chưa hợp lý…
Những năm gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu xây dựng một số Trung tâm (TT) logistics tại Việt Nam (Logistics Distribution Center). Đến nay, một số TT logistics đã và đang hoạt động như: Cái Lân, VOSA (Quảng Ninh); Green Đình Vũ (Hải Phòng); Geodis Winson - Cát Lái (TP. HCM); TT tiếp vận Scheker Germadept (Bình Dương); Germadept Sóng Thần (Bình Dương); Damco (Bình Dương) - còn gọi là Trung tâm kho vận đa năng… Một số nơi mới được cấp phép đầu tư hoặc đang xây dựng, mới đi vào hoạt động như: Kery Hưng Yên (Mỹ Hào, Hưng Yên); TT Kim Thành (Lào Cai); Kery Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng); TT Logistics tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng)… Mặc dù, những TT này hoạt động chưa thật hiệu quả như mong muốn “trong giai đoạn đầu”, nhưng cũng ngày càng làm thay đổi bộ mặt logistics Việt Nam theo hướng tích cực hơn.
Ông Nguyễn Văn Khởi trong Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - 2016
Trong tương lai gần, chúng ta sẽ có một số TT logistics đang được triển khai xây dựng và hoàn thiện. Một trong số đó là TT tại KCN Cái Mép - Vũng Tàu, đang được Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn xây dựng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khởi, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTV TCT về công việc này.
Được biết, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn là một doanh nghiệp (DN) xây dựng lớn của TP.HCM và khu vực phía Nam, đã tham gia xây dựng nhiều công trình quan trọng của Thành phố và quốc gia. Xin Ông cho biết đến nay, đơn vị đã thực hiện bao nhiêu công trình? Trong đó có bao nhiêu công trình như Cái Mép?
Trong những năm qua, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn – TNHH MTV đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ ngành nghề kinh doanh được cấp có thẩm quyền giao trong việc bảo tồn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty. Hoạt động kinh doanh của công ty đã có lãi, phát triển ổn định, bền vững, từng bước khẳng định giá trị và sức cạnh tranh của đơn vị trên thị trường xây dựng, đầu tư dự án… tạo được niềm tin cho chủ đầu tư, khách hàng. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện hàng trăm dự án công trình có quy mô lớn (từ hàng trăm đến nhiều ngàn tỷ đồng) với tổng sản lượng đầu tư và xây lắp là: 21.104 tỷ 381 triệu đồng (Giá trị sản lượng trên không bao gồm: Giá trị khảo sát, thiết kế; Sản xuất công nghiệp VLXD và các dịch vụ khác). Diện tích sàn xây dựng (tính từ 2011-2016) là 2.344,981 triệu m2, ở nhiều lĩnh vực, như:
CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN PHỤC VỤ LỢI ÍCH CỘNG ĐỒNG:
» Công trình Bệnh viện đa khoa Chợ Rẫy – Phnompenh tại Vương quốc Campuchia.
» Công trình Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Trà Vinh.
» Công trình Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM (Khu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản).
» Công trình cải tạo xây dựng 4 cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và cầu Hậu Giang trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm…
CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN THƯƠNG MẠI:
» Khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp tại quận Tân Bình.
» Dự án chung cư Nguyễn Văn Luông.
» Dự án Cao ốc căn hộ Linh Trung.
» Dự án chung cư Nguyễn Cửu Vân, tại quận Bình Thạnh.
» Dự án cao ốc SGCC – Bình Quới 2, quận Bình Thạnh.
» Công trình Saigon Pearl (giai đoạn 2B) tại Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1
» Công trình khối nhà cao tầng kết nối hội trường Thành phố, tại quận 3
» Công trình cao ốc Fico Trần Hưng Đạo, tại quận 5
» Công trình MC Bình Dương Plaza, tại tỉnh Bình Dương.
» Các dự án khu dân cư thực hiện chiến lược về nhà ở của thành phố, giãn dân ra các khu vực vùng ven như: Khu Tái định cư An Phú Bình Khánh (lô C-D), quận 2; Khu dân cư Bình Phú, tại quận 6; Dự án khu 3 nam Lý Chiêu Hoàng dọc đại lộ Võ Văn Kiệt; Công trình 4.216 căn hộ tại khu dân cư 30,244 ha tại phường Bình Khánh, Quận 2.
» Các dự án, công trình nhà máy, khu công nghiệp
» Công trình mở rộng nhà máy thực phẩm Masan;
» Công trình nhà máy thép Sunsteel, tại tỉnh Bình Dương;
» Công trình Nhà máy sản xuất kính chuyên biệt VGI3 tại KCN Mỹ Xuân A, Tân Thành, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.
» Công trình nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Toàn Cầu, Lixil, KCN Long Thành, Đồng Nai…
Gần đây, Tổng Công ty chúng tôi đang đảm nhiệm việc xây dựng KCN Cái Mép với hệ thống kho cảng hiện đại hình thành trung tâm Logistics lớn trong tương lai gần.
- Hỏi: Xin Tổng Giám đốc cho biết, khi hoàn thiện, hệ thống dịch vụ logistics tại KCN Cái Mép có quy mô lớn như thế nào so với Cát Lái?
Hiện nay, Tổng Công ty đang tập trung thực hiện dự án KCN Cái Mép với tổng diện tích 670ha, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc 2 xã Tân Phước và Phước Hòa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam và là cụm cảng duy nhất của Việt Nam có các chuyến tàu đi thẳng Châu Âu và Châu Mỹ mà không cần trung chuyển qua nước thứ 3. Tổng mức đầu tư DA theo kế hoạch là 4.363 tỷ 464 triệu đồng. Hiện nay, Tổng Công ty đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, KCN Cái Mép đã cho 12 nhà đầu tư thuê đất với tổng diện tích thuê là 160ha. Cảng Cái Mép đã đón tàu có tải trọng hơn 200 ngàn tấn bốc dỡ hàng vào năm 2016.
Dự án cao ốc SGCC – Bình Quới 2, quận Bình Thạnh, do Tổng Công ty đầu tư và xây dựng
Về quy mô diện tích, công suất, đầu tư tại Cái Mép gấp gần 7 lần cảng Cát Lái. (Hiện tại, trung tâm logistics Cát Lái là lớn nhất, chiếm 50% thị trường cả nước, hơn 90% thị trường phía Nam). Công suất năm 2016 khoảng hơn 4 triệu TEUtương đương gần 60 triệu tấn hàng hóa). Hệ thống logistics tại đây đang được xúc tiến xây dựng, khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, đây sẽ là trung tâm lưu chuyển hàng hóa lớn của cả nước, khu vực và thế giới (cả về vị trí, quy mô) giao thương đi các châu lục.
Trong quá trình xây dựng (đấu thầu hay chỉ định thầu), Tổng Công ty có gặp những thuận lợi và khó khăn nào?
Tại đây, có rất nhiều hạng mục cần xây dựng để hoàn thiện “Một hệ thống”, nên có những công trình chỉ định và có những công trình phải qua đấu thầu tùy vào mức độ yêu cầu của kỹ thuật và đặc thù của hạng mục công trình. Cho đến nay, quá trình thực hiện xây dựng Dự án Tổng Công ty đang có những bước đi thuận lợi.
Dự kiến thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình tại Cái Mép?
Việc này phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư. Nếu các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng lớn về lợi nhuận lâu dài và ổn định mà tích cực đầu tư vào KCN Cái Mép; cùng với đó là “chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn của Chính phủ”, thì chắc chắn tương lai gần Việt Nam sẽ có một trung tâm logistics lý tưởng tầm quốc gia và khu vực.
Xin cảm ơn Ông! Chúc Ông và Tổng Công ty sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trung tâm logistics lớn nhất của cả nước.