Cái mới về Môi trường đầu tư - kinh doanh của Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải cách thủ tục hải quan song hành phát triển cùng dịch vụ logistics - cảng biển

01/01/1970 08:00

(VLR) Hiệu quả của chuỗi vận tải đa phương trong hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng (logistics), ngoài sự tác động của việc vận hành hệ thống cảng, hạ tầng giao thông… còn chịu sự ảnh hưởng lớn từ thủ tục hành chính. Nếu thủ tục hành chính nhiêu khê, chậm chạp, yếu kém sẽ làm ảnh hưởng đến năng lực, sức cạnh tranh của các cảng biển, dịch vụ logistics và cả môi trường đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, trong đó có việc áp dụng hải quan điện tử (HQĐT) tại các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển và sân bay. Đây là một động thái thể hiện sự quyết tâm và tích cực trong cải cách thủ tục hành chính để phát triển kinh tế, việc áp dụng HQĐT có nhiều tác động tốt đến môi trường đầu tư - kinh doanh của BR-VT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện đầu tư - sản xuất - kinh doanh tại địa phương năng động này.

Hiệu quả của chuỗi vận tải đa phương trong hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng (logistics), ngoài sự tác động của việc vận hành hệ thống cảng, hạ tầng giao thông… còn chịu sự ảnh hưởng lớn từ thủ tục hành chính. Nếu thủ tục hành chính nhiêu khê, chậm chạp, yếu kém sẽ làm ảnh hưởng đến năng lực, sức cạnh tranh của các cảng biển, dịch vụ logistics và cả môi trường đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, trong đó có việc áp dụng hải quan điện tử (HQĐT) tại các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển và sân bay. Đây là một động thái thể hiện sự quyết tâm và tích cực trong cải cách thủ tục hành chính để phát triển kinh tế, việc áp dụng HQĐT có nhiều tác động tốt đến môi trường đầu tư - kinh doanh của BR-VT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện đầu tư - sản xuất - kinh doanh tại địa phương năng động này.

Tại các Chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển và sân bay đã triển khai thủ tục HQĐT, thời gian thông quan hàng hóa phân vào luồng xanh từ 3-5 phút và luồng vàng từ 10-20 phút. Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, HQĐT giúp giảm thời gian và chi phí làm thủ tục hải quan, có thể chủ động trong quá trình khai báo, sắp xếp thời gian thông quan hàng hóa. Với quy trình HQĐT, doanh nghiệp không cần trực tiếp đến làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại trụ sở của cơ quan hải quan, mà có thể kê khai hải quan tại bất cứ địa điểm nào có máy tính kết nối mạng Internet. Thủ tục HQĐT cho phép hàng hóa được thông quan ngay đối với lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ bằng văn bản và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Doanh nghiệp cũng có thể khai báo hải quan bất kỳ thời điểm nào, thay cho việc chỉ có thể khai hải quan trong giờ hành chính như trước đây. Hiện đại hóa hải quan với quy trình HQĐT là khâu then chốt ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động logistics, góp phần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các cảng biển ở địa phương nói chung và các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics nói riêng. Và cũng từ đây đã làm cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên thông thoáng, thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Song song đó, Cục Hải quan BR-VT đã và đang áp dụng phương thức quản lý mới, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro thay cho phương thức truyền thống, chuyển từ phương thức “kiểm tra trước, thông quan sau” sang phương thức “thông quan trước, kiểm tra sau” dựa trên kết quả phân tích rủi ro. Từ năm 2014, Cục Hải quan sẽ triển khai hệ thống thông quan tự động và tình báo hải quan theo dự án VNACCS/VCIS (Vietnamese Nippon Automatic Customs Clerance System/Vietnamese Customs Inteligence System) do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Bên cạnh đó, toàn ngành Hải quan đang tích cực triển khai đề án “một cửa Quốc gia” (Nation single window) và đề án “một cửa ASEAN” (ASEAN single window). Đây là các dự án mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là không phải xuất trình nhiều lần các loại giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan BR-VT cho biết: “Cục Hải quan đang triển khai đề án “Đo thời gian giải phóng hàng” và đề xuất các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Thực hiện đề án phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020 của tỉnh, Cục Hải quan nghiên cứu kỹ các nội dung công việc có liên quan đến công tác kiểm tra giám sát hải quan, thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, cung ứng tàu biển; thành lập và quản lý các kho ngoại quan, kho CFS, cảng nội địa ICD…”

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp cảng hoạt động có hiệu quả, Cục Hải quan phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng như: Tân cảng Cái Mép, SP-PSA, Baria Serece, SITV, CMIT và các hãng tàu Maersk Line, OOCL, WanHai, Evergreen, CMA-CGM, YangMing, APL để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hãng tàu triển khai trở lại các tuyến vận tải quốc tế đến khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (huyện Tân Thành). Tích cực triển khai đề án thông quan điện tử đối với tàu biển e-manifest do Tổng cục Hải quan chủ trì.

Đến đầu năm 2013, Cục Hải quan BR-VT đã thực hiện thủ tục HQĐT đến 100% các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc, số tờ khai HQĐT đạt 99,55%, số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tham gia thực hiện thủ tục HQĐT đạt 95,32%, tỷ lệ tờ khai áp dụng chữ ký số chiếm 81,66%. Dự án Megaports - kiểm tra phóng xạ đối với hàng hóa xuát nhập khẩu bằng container đã đưa vào vận hành. Trong năm nay, Cục Hải quan sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra trong thông quan, trong đó tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa dưới 10%; nâng cao chất lượng đánh giá rủi ro, nhằm đạt tỷ lệ phát hiện vụ việc vi phạm ≥1,5% so với tổng số tờ khai kiểm tra thực tế hàng hóa.

Với những gì mà Cục Hải quan BR-VT đã và đang thực hiện sẽ là tiền đề cho BR-VT hội nhập sâu vào chuỗi logistics toàn cầu. Với kỳ vọng “tiếng lành đồn xa” từ đây các doanh nghiệp – các nhà đầu tư sẽ ngày càng thỏa mãn và sẽ tiến đến đầu tư mở rộng cũng như kêu gọi đồng nghiệp đến cùng làm ăn tại vùng đất này.

ÔNG HỒ VĂN NIÊN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BR-VT:

Hải quan là cơ quan dịch vụ công trong chuỗi dịch vụ logistics

Cơ quan hải quan trực tiếp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Do vậy, Cục Hải quan phải tham gia như một cơ quan dịch vụ công trong chuỗi cung ứng dịch vụ sau cảng để phát triển dịch vụ logistics của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ thực chất là ngành công nghệ cao sẽ sớm được phát triển trên địa bàn, trong quá trình thu hút đầu tư, các thiết bị sẽ được nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh để sản xuất ra các sản phẩm chi tiết. Theo đó, Cục Hải quan cũng phải tích cực tham gia một công đoạn trong cơ chế “một cửa” của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

ÔNG TRẦN VĂN DANH, CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN BR-VT:

Không có “vùng cấm” đối với cán bộ công chức vi phạm đạo đức công vụ

Vấn đề kỷ cương và đạo đức công vụ phải được thực hiện xuyên suốt trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ công chức hải quan. Cục Hải quan rất mong nhận được các ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp về tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC hải quan trong quá trình làm việc cũng như sinh hoạt. Doanh nghiệp có thể gọi điện thoại phản ảnh theo các số đường dây nóng của Cục Hải quan đã được thông báo công khai, rộng rãi, hoặc gửi email hay gọi trực tiếp cho lãnh đạo Cục Hải quan. Qua xác minh, Cục Hải quan sẽ xử lý kiên quyết, đến nơi đến chốn và không có “vùng cấm” đối với các cán bộ công chức có hành vi, thái độ làm phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cái mới về Môi trường đầu tư - kinh doanh của Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải cách thủ tục hải quan song hành phát triển cùng dịch vụ logistics - cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO