Cần sớm giải quyết những bất cập trong quản lý và điều hành logistics thương mại

Nguyễn Tương|01/01/1970 08:00

(VLR) Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 07/QĐ-BNV ngày 4.1.2013 cho phép đổi tên Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam thành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Hiệp hội. Sự kiện này cho phép Hiệp hội có điều kiện để đề nghị với Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 quy định về Dịch vụ Logistics (Mục 4) và giải quyết những bất cập trong thực tế về quản lý và điều hành liên quan đến logistics thương mại.

NHỮNG BẤT CẬP CHÍNH TRONG THỰC TẾ VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH

Bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật điều chỉnh logistics thương mại chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, chưa quy định rõ ràng, rành mạch về trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý về hoạt động logistics thương mại, nhất là giữa Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải, qua đó đã làm cho việc quản lý và điều hành hoạt động logistics thương mại còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan tham gia quản lý, nhưng chưa có một cơ quan điều hành chung về logistics thương mại. Ngay cả Hiệp hội cũng không xác định được cơ quan nào quản lý chính Hiệp hội ngành nghề logistics thương mại. Chúng ta cần có bước đột phá trong công tác quản lý hoạt động logistics để tạo thuận lợi cho các hoạt động logistics thương mại phát triển.

Nội dung về điều kiện cấp phép hoạt động logistics thương mại chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh logistics thương mại, còn gây phiền hà cho doanh nghiệp. Điển hình là giữa các quy định tại Nghị định 140/2007/NĐ-CP (5.9.2007) quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và Nghị định 87/2009/NĐ-CP (19.10.2009) về Vận tải đa phương thức và Nghị định 89/2011/NĐ-CP (10.10.2011) sửa đổi Nghị định 87/2009/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ logistics thương mại sau khi đã được cấp phép hoạt động còn chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra thường xuyên.

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CẦN ĐIỀU CHỈNH

Để bước đầu điều chỉnh những bất hợp lý trên đây tạo điều kiện cho logistics thương mại phát triển, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề chính sau:

Sửa đổi Luật Thương mại 2005, Mục 4, trước hết là nội hàm định nghĩa về logistics đầy đủ như chức năng của nó. Định nghĩa về logistics cần bao gồm các nội dung của dây chuyền logistics thương mại trong quản lý dây chuyền cung ứng hiện đại. Đó là “quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát có hiệu quả sự luân chuyển, lưu kho hàng hóa, các dịch vụ và thông tin có liên quan từ điểm gốc đến nơi tiêu dùng theo đúng yêu cầu của khách hàng”1.

Về tên Mục 4, đề nghị xem xét sửa đổi thành logistics thương mại, thay vì dịch vụ logistics và thuật ngữ logistics không nên “được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc” mà giữ nguyên là logistics. Cần xem xét sửa đổi các quy định về quản lý nhà nước về logistics, giới hạn trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ logistics thương mại, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics thương mại, nhằm hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển, qua đó tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của thương mại.

Ngoài việc cần thiết phải sửa đổi định nghĩa về dịch vụ logistics, Luật Thương mại 2005 cũng cần phải sửa đổi nhiều chương, điều cho phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong ASEAN của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Dự án rà soát pháp luật kinh doanh do VCCI chủ trì, có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia pháp lý đã được tập hợp đầy đủ những vấn đề lớn gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và logistics thương mại, đưa ra các kiến nghị hợp lý và khả thi để trình Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội xem xét, trong đó có Luật Thương mại. Trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Thương mại sửa đổi, chúng ta cũng cần tiến hành ngay việc sửa đổi, tạo sự thống nhất các văn bản dưới luật, nhất là các văn bản đã nêu trên đây nhằm tạo sự minh bạch và thông thoáng cho các hoạt động logistics thương mại phát triển. Trước hết là những quy định về điều kiện kinh doanh, cấp phép và trách nhiệm dân sự của các nhà cung cấp dịch vụ logistics; các quy định về dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức phù hợp với Luật Thương mại, các luật điều chỉnh của mỗi phương thức vận tải, Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức. Việc quản lý nhà nước và điều hành hoạt động logistics của Chính phủ cần được cải thiện, trên cơ sở nhận thức logistics thương mại là một ngành cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cao cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế của đất nước, cần hoàn thiện quy định về logistics, coi vận tải đa phương thức là một bộ phận quan trọng của logistics thương mại. Từ đó cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2007 NĐ-CP và các Nghị định 87/2009/NĐ-CP, Nghị định 89/2011/NĐ-CP về vận tải đa phương thức để thống nhất các quy định liên quan đến đăng ký kinh doanh và giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh logistics. Thực hiện được nội dung này sẽ giúp cho việc quản lý và điều hành ở cấp độ vĩ mô được tốt hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và logistics thương mại phát triển.

Cần có sự phối hợp và hợp tác hữu hiệu hơn nữa giữa các Bộ, Ngành có liên quan, trước hết là Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải trong việc quản lý và điều hành hoạt động logistics thương mại của VN, nhất là trong việc đề ra các quy định liên quan đến hoạt động logistics, như quy định thống nhất về tải trọng trục xe cho các loại cầu đường đang sử dụng và sẽ xây dựng mới, quy định về cấm xe tải vào thành phố kết hợp với an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông để không làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động logistics. Chúng ta nên sớm thành lập Ủy ban quốc gia điều phối hoạt động logistics.

Tăng cường công tác kiểm tra của Nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thương mại, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại VN, trong việc thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 140/2007/NĐ-CP về logistics và Nghị định 89/2011/NĐ-CP về vận tải đa phương thức, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh logistics thương mại.

Với vai trò quản lý của mình, Chính phủ cần xây dựng một thể chế pháp lý minh bạch, kết hợp với việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia cho ngành logistics, hướng tới một ngành logistics xanh, qua đó tạo thuận lợi cho logistics thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ logistics phát triển có hiệu quả và bền vững. Trong vai trò quản lý của mình, chính phủ Singapore tập trung vào ba vấn đề: lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, xây dựng kết cấu hạ tầng và đưa ra các chính sách khuyến khích logistics phát triển (như các ưu đãi về thuế, nguồn vốn cho vay, hỗ trợ nguồn lực và đào tạo)2.

Về mặt quản lý nhà nước, các hoạt động logistics thương mại hiện nay do nhiều cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm quản lý, trong đó Bộ Công thương chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Theo Điều 9 Nghị định 140/2007/NĐ-CP (5.9.2007), Bộ Công thương chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics liên quan, bao gồm tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm các điều kiện kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong lĩnh vực được phân công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định hiện hành của pháp luật; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ nêu trên trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ logistics. Đây là nội dung quản lý nhà nước cần được xem xét cải tiến nhằm tạo sự tập trung trong việc quản lý nhà nước về logistics thương mại nói chung và quản lý chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam nói riêng.

Tài liệu tham khảo:

1 Định nghĩa trong What’s It All About? (OK Brook, IL; Council of Logistics Management, 1993) Theo Fundamentals of Logistics Management, Douglas M. Lambert. James R.Stock.Lisa M.Ellram, tr.3.

2 Aloysius Lim, Spply chain management expert, Uni-Span Singapore, Vietnam Logistics & Seaport Services Forum, Vung Tau 30/3/2011.



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm giải quyết những bất cập trong quản lý và điều hành logistics thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO