Cần xác định rõ tiềm năng nguồn hàng nội địa

01/01/1970 08:00

(VLR) Đó là khuyến cáo của các chuyên gia cảng biển Hà Lan trong cuộc hội đàm với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và TCty Hàng hải Việt Nam vào chiều 23.3, sau chuyến khảo sát thực tế tại công trường xây dựng bến khởi động cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Suốt thập niên đã qua, các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế đều xác định vịnh Vân Phong ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa có tiềm năng lớn và hội đủ điều kiện để xây dựng một cảng trung chuyển container quốc tế tầm cỡ. Năm 2005, dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (cảng TCQTVP) đã hình thành trên cơ sở quy hoạch phát triển khu kinh tế tổng hợp Vân Phong. Cảng TCQTVP có chiều dài bến 5.710m sẽ được xây dựng trên diện tích 405ha, chia làm 4 giai đoạn, năm 2009 bắt đầu giai đoạn khởi động, dự kiến đến 2020 chính thức hoạt động.

Công trường thi công cảng TCQTVP giai đoạn khởi động đã và đang... bất động. Ảnh: Đình Quân

Năm 2007, TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được giao làm chủ đầu tư cảng TCQTVP khởi động với tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.200 tỉ đồng. Năm 2009, tổng mức đầu tư dự án đã được duyệt điều chỉnh lên gần 6.200 tỉ đồng; tuy nhiên do tư vấn thiết kế không đạt yêu cầu, đặc biệt là khảo sát địa chất không chính xác nên các nhà thầu thi công không thể thực hiện đúng tiến độ.

Đến ngày 1.7.2011 công trường thi công phải tạm dừng, dự án cảng TCQTVP mới chỉ đóng được 115 cọc (kể cả cọc thử), trong đó có 30 cọc ống thép, nhưng 45% số cọc đã đóng bị dư thừa so với thiết kế từ 2-8 mét, thậm chí có cọc dài hơn thiết kế gần 11 mét. Lô cọc thép được cung cấp bởi liên doanh nhà thầu Tổng Cty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) và Cty SK engineering& condustruction (Hàn Quốc), đã không được nghiệm thu bởi bị gỉ sét và sơn phủ trước khi đóng xuống biển.

Nhưng, “bài toán” điều chỉnh dự án của chủ đầu tư tiếp tục được cơ quan chủ quản thông qua và trình lên Chính phủ. Lãnh đạo Vinalines lập luận rằng, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành đóng tàu và thị trường vận tải biển thế giới, thiết kế ban đầu cảng TCQTVP (giai đoạn khởi động) chỉ với quy mô đón tàu 9.000TEU đã lạc hậu, kém sức hấp dẫn và không khai thác hết tiềm năng vốn có của vịnh nước sâu Vân Phong cho phép thiết kế cầu cảng đón được tàu 18.000TEU. Khái toán tổng mức đầu tư cho dự án cảng TCQTVP (vẫn giai đoạn khởi động) sau khi điều chỉnh xấp xỉ 10.970 tỉ đồng (tăng 73% so với dự toán ban đầu).

Phó TGĐ Vinalines Nguyễn Hữu Long cho biết: “Hiện đã làm xong dự án điều chỉnh, năm 2012 tiếp tục thi công 2 bến khởi động. Vinalines đang tìm kiếm đối tác đầu tư vốn và hỗ trợ nghiên cứu phát triển tổng thể cảng TCQTVP”. Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong nhận định, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu chủ đầu tư không tìm được nguồn tài chính thì chẳng biết đến khi nào mới có thể khởi động lại dự án xây dựng cảng TCQTVP.

Theo phân tích của các chuyên gia cảng biển đến từ cảng Rotterdam (Hà Lan), không có mẫu số chung mô hình hoạt động cảng biển cho mọi quốc gia ở tất cả các châu lục; điều kiện cần và đủ để một cảng biển hoạt động bền vững là nguồn hàng hóa thông qua cảng dồi dào, ổn định và cơ sở hạ tầng khu phi thuế quan đáp ứng nhu cầu phát triển của các chuỗi liên kết kinh tế vùng, khu vực với toàn cầu. Dù thế nào, hải cảng vẫn là nơi hẹn hò lý tưởng của những con người giỏi giang “làm ăn” trên biển.

Bảo Chân


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần xác định rõ tiềm năng nguồn hàng nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO