(Vietnam Logistics Review)Cảng biển là một mắc xích quan trọng trong hệ thống logistics. Việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối sau cảng đang được quan tâm phát triển mạnh, có bài bản. Ngoài ra, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là một trong những lý do giúp hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Nhu cầu lớn từ cảng biển
Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển VN năm 2015 ước đạt 427,3 triệu tấn, tăng 14,6%, trong đó hàng container đạt 12 triệu TEUs, tăng 15,5% so với năm 2014. Nhóm cảng biển số 1 (khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh) và số 5 (khu vực TP. HCM, Vũng Tàu) nơi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng hàng thông qua cảng biển cả nước tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh nhất.
Lý giải về sự tăng trưởng này, cảng biển là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là hoạt động XNK thời gian qua. Cùng với đó, việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng giao thông, tăng kết nối sau cảng, cải cách thủ tục hành chính cảng biển theo hướng đơn giản và hiện đại hóa, cải tiến nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cảng… khiến cảng biển ngày càng hấp dẫn hơn. Chính điều này làm cho sản lượng hàng hóa thông qua tại các cảng biển tăng mạnh.
Tiếp nữa là các cảng khu vực TP.HCM, thuộc nhóm cảng số 5 tăng trưởng mạnh là do TP.HCM đã đầu tư mạnh mẽ và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: Tân Cảng - Hiệp Phước, nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2... Riêng dự án nạo vét luồng Soài Rạp đưa vào khai thác cuối tháng 6.2014 đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 50 nghìn DWT (đầy tải) và 70 nghìn DWT (hạ tải), với hơn 1.700 lượt tàu ra vào cảng biển, hành trình rút ngắn hơn 20km và hơn một giờ so với lưu thông theo tuyến luồng Lòng Tàu trước đây. Hiệu quả rõ rệt nhất của dự án nạo vét luồng Soài Rạp, là giúp thu hút tàu thuyền, tăng sản lượng hàng hóa vào cảng. Điều này còn làm nguồn thuế hải quan Hiệp Phước tăng từ 600 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Hàng hải VN, hoạt động của cảng biển vẫn chưa có quy hoạch ổn định. Nhất là các khu đổ thải sản phẩm nạo vét duy tu hàng hải của các địa phương, ảnh hưởng đến kinh phí, tiến độ triển khai nạo vét duy tu hàng hải hàng năm, cũng như công tác đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường tại vùng nước cảng biển.
Tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Trong kế hoạch năm 2016, Cục Hàng hải Việt Nam phấn đấu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 470 triệu tấn (tăng 10% so với năm 2015), trong đó hàng container dự kiến tăng 11% đạt 13,3 triệu TEUS. Các chỉ tiêu tăng trưởng khác trong khai thác cảng biển phấn đấu tăng cao hơn so với năm 2015.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, triển vọng tăng trưởng của cảng biển VN thời gian tới dự báo rất khả quan, do các yếu tố cả chủ quan và khách quan đang và sẽ tiếp tục được phát huy. Các chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển cảng biển tiếp tục được khuyến khích. Trong đó các cơ chế, chính sách tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, nhằm thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác phát triển cảng biển như: Áp dụng cơ chế cho thuê khai thác đối với kết cấu hạ tầng các bến cảng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách theo quy định của pháp luật, áp dụng mô hình quản lý cảng phù hợp với điều kiện của VN.
Để đạt được những kết quả trên, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đề xuất các cơ chế chính sách nhằm tăng thị phần vận tải của đội tàu trong nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải biển VN cũng như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn hàng hải của tuyến vận tải ven biển.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có những kế hoạch quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển cảng cạn, chú trọng đến công tác duy tu, nạo vét, rà soát kỹ các dự án xã hội hóa duy tu nạo vét. Triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, đúng tiến độ, đặc biệt là đến 01.7.2017 khi Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) có hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn phải hoàn thành trong đó quan trọng nhất là Nghị định về chức năng của Ban quản lý khai thác cảng và Nghị định về biểu giá, phụ giá, giá dịch vụ vận tải biển. Việc thực hiện những chính sách hỗ trợ cụ thể, bài bản và hợp lý sẽ hứa hẹn một tương lai phát triển mạnh mẽ của Cảng biển Việt Nam.