Hiện trạng hệ thống cảng cạn
Hệ thống cảng cạn Việt Nam hiện nay, bao gồm các cảng cạn đã được công bố theo quy chế hoạt động cảng cạn ban hành theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các điểm thông quan nội địa thành lập trước khi có quy chế, hoạt động theo các chức năng như cảng cạn.
Theo thống kê trên toàn quốc hiện có 10 cảng cạn đã công bố, 4 cảng cạn đang được triển khai xây dựng và 15 địa điểm thông quan nội địa, tập trung tại miền Bắc và miền Nam, miền Trung chưa có. Tổng lượng hàng thông qua các cảng cạn hiện có khoảng 35.000 -40.000 TEU/tháng. Riêng Tân Cảng Nhơn Trạch 12.000 -15.000 TEU/tháng.
Sau 4 năm thực hiện quy hoạch chi tiết cảng cạn giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT), kết quả 69 cảng cạn đã được quy hoạch chi tiết, trong đó : 63 cảng cạn được quy hoạch theo Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/8/2018; 06 cảng cạn được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch từ 2018 đến nay: Tuyên Quang, Tân Cảng Hà Nam (Hà Nam, đã công bố), Long Biên (Hà Nội, đã công bố), Văn Lâm (Hưng Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa), Trảng Bàng (Tây Ninh).
Trong đó: 10 cảng cạn được công bố đều là những cảng cạn hình thành mới và đi vào hoạt động từ 2015 trở lại đây; Vị trí: 9/10 cảng nằm ở miền Bắc, 01 cảng ở Miền Nam, miền Trung chưa có cảng cạn; Về kết nối: 5/10 cảng cạn có kết nối vận tải thủy nội địa đến cảng biển: Quế Võ, Hải Linh, Phúc Lộc, Móng Cái, Nhơn Trạch. Các cảng còn lại chỉ kết nối bằng đường bộ; Có 3/10 cảng cạn nằm sát cảng biển, đều nằm trong KCN Đình Vũ.
Tổng diện tích các cảng cạn/ICD trên cả nước là 744,83 ha (năm 2018 là 229 ha), với tổng công suất thiết kế khoảng 4 triệu TEU/năm. Quy mô diện tích của các cảng cạn dao động lớn, cảng cạn có diện tích nhỏ nhất là cảng cạn Hải Linh (4,7 ha) cảng lớn nhất là ICD TBS Tân Vạn 115 ha, thông thường diện tích các cảng cạn, ICD khoảng từ 15 - 30 ha.
Có 6 ICD đã được quy hoạch thành cảng cạn nhưng chưa thực hiện công bố: miền Bắc: ICD Lào Cai, ICD Tiên Sơn, ICD Hải Dương; miền Nam: ICD Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương); TBS Tân Vạn. Cụm ICD Trường Thọ di dời về cảng cạn Long Bình (Quận 9, TP. Hồ Chí Minh).
Theo số liệu của Bộ GTVT, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và ICD đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu TEU/năm (cảng cạn, cảng ICD ở miền Bắc thông qua khoảng 0,45 triệu TEU/năm, miền Nam khoảng 3,65 triệu TEU/năm), trong đó 90% hàng hóa thông qua các cảng thông quan nội địa (ICD), bao gồm 6 cảng ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM.
Dịch vụ tại các cảng cạn
Ngoài việc 69 cảng cạn được quy hoạch chi tiết, 10 cảng cạn nằm trong danh mục đã được Bộ GTVT công bố tại Quyết định số 584/QĐ-BGTVT ngày 13/5/2022 như trên đã nói, công tác tổ chức vận tải giữa cảng biển đến nguồn hàng xuất nhập khẩu từng bước được cải thiện thông qua sự hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, giảm lưu lượng vận tải đường bộ.
Một số cảng cạn hỗ trợ tốt cho các cửa khẩu đường bộ thông qua hàng hóa, giảm ùn tắc như cảng cạn Móng Cái, ICD Lào Cai. Ngoài ra, hiệu lực quản lý nhà nước về cảng cạn cũng được tăng cường và nhận thức chung về vai trò của cảng cạn ngày càng được nâng cao. Nhiều tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển cảng cạn theo quy hoạch kết hợp với đề xuất điều chỉnh bổ sung.
Các dịch vụ chính đang được cung cấp thường xuyên trong các cảng cạn và ICD tại Việt Nam bao gồm: dịch vụ lưu trữ hàng hòa, kho hải quan, kho CFS; dịch vụ bãi chứa container (có hàng thường, rỗng, hàng lạnh); dịch vụ đóng gói hàng hóa, bốc dỡ container; dịch vụ trung chuyển hàng siêu trường siêu trọng và hàng hóa khác. Ngoài ra, trong các cảng cạn, các doanh nghiệp có thể tiến hành cung cấp các dịch vụ phụ trợ khác như: lắp đặt máy móc thiết bị, đóng gói hàng lẻ, đóng gói chân không, làm bao bì, sửa chữa container, vệ sinh container, vẽ mã hiệu hàng hóa, chuyển hàng nội địa, dịch vụ kho chung lưu trữ hàng hóa tạm thời,…
Đối với hệ thống cảng cạn, ICD miền Bắc được nhận định chưa có đóng góp nhiều cho tổ chức vận tải của khu vực. Đa số chỉ sử dụng đường bộ nên chi phí vận tải còn cao. Tỷ lệ hàng container thông qua các cảng cạn/điểm thông quan nội địa còn thấp, chỉ khoảng 3% hàng container thông qua cảng biển. Tỷ lệ hàng thông qua cảng với vận đơn là cảng đích không đáng kể. Điển hình như cảng thông quan nội địa Tiên Sơn, hàng hóa thông qua với vai trò là cảng đích chỉ đạt 5% so với tổng lượng hàng thông qua cảng (kể cả tự khai thác và cho thuê). Hay, cảng thông quan nội địa Lào Cai chưa có vận đơn nào. Các cảng chỉ chủ yếu khai thác dịch vụ kho bãi, bốc xếp, một số cảng chỉ có khai thác dịch vụ vận tải.
Trong khi tại miền Nam, hệ thống cảng cạn, ICD có sự hỗ trợ lớn hơn về năng lực cho hệ thống cảng biển, đặc biệt cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh, tạo hiệu quả về chi phí vận tải do sử dụng đường thủy nội địa. Tỷ lệ hàng thông qua cảng với vận đơn là cảng đích lớn. Đơn cử như cảng thông quan nội địa Tây Nam (Tanamexco), có 100% hàng hóa thông qua đều có vận đơn tại đây. Hệ thống cảng cạn, ICD cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa về thời gian, chi phí, kho bãi,...
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, phát triển cảng cạn có định hướng theo quy hoạch thống nhất nhằm tổ chức vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.
Nguồn: Bộ GTVT & Bộ Công Thương