Các trung tâm logistics tại Việt Nam, hiện trạng và quy hoạch (Bài 5)

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |12/04/2023 20:47

Trung tâm logistics được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics, được xây dựng nhằm thực hiện các chức năng cơ bản như lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, lưu giữ hàng tối ưu, tạo ra giá trị gia tăng, chuyển tải và logistics ngược, như xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và thực hiện liên kết kinh tế…

Với các chức năng cơ bản này, trung tâm logistics có vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, các trung tâm logistics được coi là mô hình thực hiện hiệu quả liên kết kinh tế của các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ.

idc-vinh-phuc-729.jpg

Trung tâm logistics đã đi vào hoạt động trong năm 2022

Giai đoạn cuối năm 2021 đến giữa năm 2022, một số trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động như Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng, Trung tâm logistics KM Cargo Services Hải Phòng, Trung tâm logistics Vĩnh Tân Bình Thuận,…

- Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải miền Trung (Vinatrans Đà Nẵng) là chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 1 ha bao gồm hệ thống kho đông lạnh và kho mát lưu trữ hàng hóa thực phẩm lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung ở thời điểm hiện tại, được xây dựng đạt chuẩn ISO, HACCP và các tiêu chuẩn khác theo quy định. Hệ thống kho có chức năng phân phối, lưu trữ hàng thủy sản, hàng hóa thực phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), hàng thực phẩm tươi sống, trái cây nhập khẩu,... Đối tượng phục vụ của Trung tâm logistics Vinatrans Đà Nẵng là các công ty xuất nhập khẩu thủy sản, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thương mại trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh và các chuỗi siêu thị tại Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Trung tâm KM Cargo Services Hải Phòng (KMCS), tháng 3/2022: Trung tâm có lợi thế về mặt vị trí, nằm trong KCN Đình Vũ, nơi tập trung các nhà máy sản xuất và là nơi tập trung các cảng biển lớn nhất của TP. Hải Phòng như Cảng Tân Vũ, Cảng Đình Vũ,... Không chỉ thuận lợi về kết nối giao thông đường biển, KMCS cũng tận dụng được kết nối giao thông đường bộ và đường hàng không do gần kề đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách sân bay quốc tế Cát Bi khoảng 3 km.

- Trung tâm logistics Vĩnh Tân Bình Thuận, tháng 2/2022: Mục tiêu cung cấp dịch vụ logistics, đặc biệt là hàng container cho các doanh nghiệp nhập khẩu tại khu vực các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng. VTLC được thành lập dựa trên sự hợp tác chiến lược giữa Công ty Vantage Logistics và Tập đoàn Thái Bình Dương. Công ty Vantage Logistics là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics, chuyên cung cấp những giải pháp logistics tích hợp vận tải đa phương thức, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thông quan, kho bãi, phân phối,…

Trung tâm logistics đang trong quá trình triển khai xây dựng


- Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) - Tập đoàn YCH -YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, quy mô hơn 83 ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm đã được khởi công xây dựng cuối tháng 12/2021. Trong giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng trung tâm phân phối có diện tích 87.633 m2, khu ngoại quan và ICD có diện tích 46.434m2, khu kho hàng Logistics có diện tích 86.473m2. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ xây dựng khu ngoại quan và ICD có diện tích 101.250m2, khu kho hàng logistics có diện tích 145.843m2. Tiến độ hoàn thành dự kiến quý IV/2024.

- Dự án Trung tâm logistics ECPVN Bình Dương 2 của Công ty Emergent Việt Nam Logistics Development Pte, Singapore, vốn đầu tư 34,4 triệu USD tại KCN Tân Đông Hiệp B, TP. Dĩ An. Dự án Trung tâm logistics ECPVN Bình Dương 2 được xây dựng với tổng diện tích xây dựng là 38.000m2, phân thành 2 khu gồm 2 khu nhà kho chính với các khu phụ trợ khác. Dự án khởi công từ tháng 12/2021. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, dự án này cũng tiếp tục ghi dấu sự thành công của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại Việt Nam trong lĩnh vực logistics.

- Dự án Trung tâm tiếp vận ITL logistics Đà Nẵng được khởi công xây dựng vào tháng 3/2022, xây dựng trên khu đất có diện tích 31.244m2 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, gồm có các hạng mục công trình chính như: hệ thống nhà xưởng tiêu chuẩn để cho thuê, hệ thống kho và hạ tầng dùng chung, khu vực đóng gói là lưu trữ hàng hóa,… với các tiêu chuẩn hạng A về chất lượng dịch vụ với kệ chứa hàng 7 tầng, hệ thống quản lý kho WMS có khả năng tích hợp theo yêu cầu của khách hàng và cổng xuất hàng với sàn nâng tự động,… Đặc biệt, đây sẽ là trung tâm phân phối xanh tại Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động,

- Dự án Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ tại khu kinh tế Nghi Sơn, thuộc tổ hợp chung với dự án hạ tầng KCN số 6 - Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tổ hợp dự án được triển khai trên diện tích 395 ha (370 ha đất KCN số 6 và 25 ha đất thuộc quy hoạch cảng biển). UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ với công ty cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Á Châu (ASHICO) về đầu tư trung tâm logistics, ngoàimđáp ứng toàn bộ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, còn vươn ra khu vực các tỉnh khác như Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An và Bắc Hà Tĩnh. Hình thành trung tâm dịch vụ logistics đạt tiêu chí hạng II - cấp vùng, vị trí gắn với Cảng biển Nghi Sơn.

Việc triển khai xây dựng các trung tâm logistics trong những năm tới sẽ từng bước thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển: Các trung tâm logistics hạng I, hạng II và chuyên dùng trên toàn quốc. Bên cạnh các trung tâm logistics với quy mô lớn, tích hợp nhiều chức năng, nhiều kho siêu nhỏ chuyên phục vụ thương mại điện tử có thể sẽ là xu hướng trong năm 2023, hình thành nhiều điểm trong mạng lưới logistics, đưa hàng hóa tới gần khách hàng hơn, rút ngắn thời gian giao hàng, thuận lợi hóa quá trình giao hàng chặng cuối tại các đô thị.

Quy hoạch trung tâm logistics tại các địa phương

va.jpg
Hà Tĩnh sẽ xây dựng Vũng Áng thành khu kinh tế đa chức năng, Trung tâm Logistics Vũng Áng

Cập nhật đến tháng 6/2022, các tỉnh đã đưa ra các quy hoạch, triển khai và xây dựng trung tâm logistics tích hợp trong quy hoạch Tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô hơn 83 ha tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng có quy mô diện tích lập quy hoạch 133,32 ha nằm trên địa bàn xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh),… Cụ thể:

- Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 202511. Trong đó, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành: 02 trung tâm logistics (tại các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn), 02 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), 01 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), 01 Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn Thành phố.

- Đà Nẵng: Quy hoạch 05 trung tâm logistics chính gồm Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu quy mô đến năm 2030 là 35 ha, đến năm 2045 đạt 69 ha (trung tâm logistics cảng biển); Trung tâm logistics Hòa Nhơn (trung tâm logistics đường bộ) quy mô đến năm 2030 là 27 ha, đến năm 2045 đạt 54 ha; Trung tâm logistics đường sắt quy mô đến năm 2030 là 5 ha, đến năm 2045 đạt 10 ha; Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng quy mô đến năm 2030 là 4 ha, đến năm 2045 đạt 8 ha và Trung tâm logistics khu công nghệ cao, quy mô đến năm 2030 là 3 ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20 ha.

- Long An: đã quy hoạch 6 trung tâm logistics tại các khu vực khác nhau trên địa bàn. Theo đó, tại huyện Bến Lức sẽ có 3 trung tâm logistics đặt tại các xã: Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa với tổng diện tích khoảng 110 ha; trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp có diện tích 10 ha; trung tâm logistics tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây có diện tích 10 ha và trung tâm logistics tại Cảng Long An. Đến nay, đã có đã có 2 trung tâm đi vào hoạt động tại xã Thanh Phú (huyện Bến Lức) và tại Cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc).

- Hậu Giang: Dự án Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang (tiêu biểu là trung tâm logistics Hạnh Nguyên) được chủ trương thực hiện theo mô hình trung tâm logistics “Tất cả trong một” phục vụ xuất khẩu nông sản, tạo cầu nối cho nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Dự án được quy hoạch trên diện tích 10,64 ha với kinh phí dự tính 275 tỷ đồng. Trung tâm này có khả năng thực hiện khép kín tất cả các quy trình phục vụ xuất khẩu nông sản, đảm bảo lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên tới 90 ngày.

- Bà Rịa - Vũng Tàu: Trong thông báo 61/TB-VPCP ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm thúc đẩy, hình thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ và hệ thống cảng cạn/kho bãi/ICD phụ trợ cho khu cảng Cái Mép - Thị Vải.

- TP. Hồ Chí Minh: Theo Đề án phát triển logistics TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, đồng thời trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có của TP. Hồ Chí Minh, thành phố cần có 07 trung tâm logistics đạt chuẩn với năng lực thông qua hàng hoá (TEU) của các trung tâm logistics như sau: Trung tâm logistics Long Bình (2.500.000- 3.000.000), Trung tâm logistics Cát Lái (3.100.000 - 3.500.000), Trung tâm logistics Linh Trung (480.000 - 520.000), Trung tâm logistics khu công nghệ cao (300.000), Trung tâm logistics Tân Kiên (450.000 - 500.000), Trung tâm logistics Củ Chi (282.150 - 319.770), Trung tâm logistics Hiệp Bình Phước (1.430.000 - 1.600.000).

- Đồng Nai: Triển khai hệ thống trung tâm logistics tại KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An, kết nối sân bay Long Thành và cảng nước sâu Phước An.

 Tây Ninh: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trung tâm logistics và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trung tâm logistics quy hoạch có diện tích 259,22 ha.

Đến nay, một số địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai đưa quy hoạch trung tâm logistics và cảng cạn vào tích hợp trong Quy hoạch tỉnh./.

Bài 2: Kinh nghiệm phát triển logistics thành công ở một số quốc gia

Bài 3: Một số chính sách mới ban hành về phát triển Logistics của Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Các trung tâm logistics tại Việt Nam, hiện trạng và quy hoạch (Bài 5)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO