Cảng Chân Mây điểm sáng sau 10 năm và những nan giải…

01/01/1970 08:00

(VLR) Vào ngày 19.5.2003, dưới cờ hoa rực rỡ, người dân Lộc Vĩnh và các xã trong khu vực nô nức về chứng kiến sự kiện khánh thành Bến số 1 - Cảng Chân Mây như ngày Lễ của chính mình. Trời Chân Mây, hôm ấy mát dịu, báo hiệu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”… Ngày ấy đã cách đây 10 năm.

Vào ngày 19.5.2003, dưới cờ hoa rực rỡ, người dân Lộc Vĩnh và các xã trong khu vực nô nức về chứng kiến sự kiện khánh thành Bến số 1 - Cảng Chân Mây như ngày Lễ của chính mình. Trời Chân Mây, hôm ấy mát dịu, báo hiệu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”… Ngày ấy đã cách đây 10 năm.

10 NĂM MỚI BẤY NHIÊU… NGÀY?

Quyết định công bố kịp thời của Cục Hàng hải Việt Nam cho phép Bến số 1 - Cảng Chân Mây tiếp nhận tàu biển trong nước và quốc tế có trọng tải đến 30.000 DWT, tạo tiền đề cho những bước đi đầu tiên của một bến Cảng non trẻ, mở ra nhiều hứa hẹn về một giai đoạn mới phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và nói riêng cho vùng đất Chân Mây anh dũng, kiên cường nói riêng.

Và, Cảng Chân Mây, sau 10 năm đi vào hoạt động, dù chỉ mới một bến, đã tổ chức xếp dỡ gần 10 triệu tấn hàng hóa, đón 200.000 du khách quốc tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn. Riêng năm 2012 đã có 33 tàu du lịch qua cảng, với hơn 40.000 lượt khách và ngay từ những ngày đầu năm 2013, cảng Chân Mây đã nhộn nhịp với sự xuất hiện thường xuyên của các đoàn tàu biển du lịch quốc tế sang trọng như: Celebrity Milenium, Cliper Odysey, Seven Seas Voyager, Nautica, Silver Shadow, Silver Whiper, Crystal Simphony… đưa hàng ngàn khách du lịch quốc tế đến tham quan thắng cảnh Huế và miền Trung.

Cảng Chân Mây trở thành “cú hích” quan trọng, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Các sản phẩm, mặt hàng của nhà sản xuất và người nông dân trong tỉnh qua Cảng Chân Mây rút ngắn được gần 90km quãng đường vận chuyển so với trung chuyển đến cảng biển gần nhất tại miền Trung; do đó, sản phẩm địa phương tăng cao khả năng cạnh tranh và lợi nhuận thu được trên tấn sản phẩm. Điều đó đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội... Đây là lợi ích lớn nhất, thiết thực nhất mà Cảng Chân Mây - với vai trò là cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi với chi phí thấp nhất trên địa bàn - góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây, Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Nhờ có cảng biển Chân Mây, hiện các nhà máy xi măng trên địa bàn mạnh dạn tăng công suất và khởi động các dự án xi măng mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cảng trong 10 năm đạt gần 1 tỷ USD. Thông qua hoạt động, Cảng Chân Mây đã trực tiếp cũng như gián tiếp giải quyết công ăn việc làm từ 5 đến 7 vạn lao động cho nhân dân địa phương, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo của các trên địa bàn Phú Lộc”. “Đây là điều tâm đắc nhất của tôi”, ông nói.

NHIỀU BẤT CẬP “TRÓI”… CHÂN MÂY

“Tuy nhiên, kết quả sẽ còn khả quan hơn nếu được quan tâm đầu tư kịp thời, đồng bộ, đầu tư thêm bến mới, tạo sự kết nối Cảng với hệ thống giao thông sắt bộ và chuỗi logistics trong vùng cũng như của cả nước. Tuy nhiên, quá trình khai thác cảng biển và đầu tư còn có nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết” - ông bày tỏ.

Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Thọ, trước hết, là thiếu cầu cảng cho hàng tổng hợp và bến chuyên dụng cho tàu khách, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên,Cảng Chân Mây chưa có bến chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển mà chủ yếu đón khách du lịch đường biển qua cảng hàng hóa. Đây là một vấn đề nan giải, nhưng cũng khó giải quyết một sớm, một chiều mà cần phải có thời gian để xây dựng với những chiến lược cụ thể. Những năm gần đây, Cảng Chân Mây là nơi có tần suất xuất và nhập hàng khá lớn trong khu vực miền Trung; trong đó, việc khai thác khách du lịch tàu biển khá hiệu quả. Tuy vậy, việc thi công tuyến đường ra cảng do Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng - Cô quá chậm trễ và kéo dài tiến độ đã ảnh hưởng đến việc thu hút tàu khách du lịch quốc tế và không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan chung của khu vực.

Thứ hai, công tác đầu tư còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc xây dựng Bến số 2 của Cảng Chân Mây đã được hoạch định từ nhiều năm trước, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên đến nay Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây cũng mới chỉ triển khai phần khảo sát địa chất, thủy văn và đang chờ đợi sự thống nhất, chủ trương từ lãnh đạo các cấp, ngành. Để kịp phục vụ nhu cầu phát triển trong những năm sắp đến, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, nếu Bến số 2 không đầu tư ngay từ bây giờ sẽ không bắt kịp được nhu cầu hiện có và đang gia tăng phát triển.

Một trở khác ngại khác, đó là thiếu đê chắn sóng, một công trình đảm bảo an toàn cho luồng tàu ra vào cảng trong điều kiện cảng biển hở. Không có đê chắn sóng thì sự tồn tại sẽ bị đe dọa chứ chưa nói tới phát triển bền vững. Đó là chưa kể những khó khăn, thiệt hại cho chủ tàu, chủ hàng khi gặp phải thời tiết bất thường, biển động…

Thứ ba, là thiếu sự chỉ đạo kiên quyết để đảm bảo an toàn hành hải trên luồng tàu. Kể từ cuối năm 2003, sau khi Cảng Chân Mây đi vào hoạt động thì tình hình đặt đáy rớ trái phép trên luồng tàu, khu nước Bến số 1 bắt đầu xuất hiện. Tình hình hết sức nghiêm trọng, từ chỗ chỉ vài hộ đã phát triển lên đến 140 hộ ngư dân thả đáy, rớ gây cản trở lưu thông an toàn cho tàu thuyền và đã xãy ra nhiều sự cố, có những sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại cho tàu biển và Cảng Chân Mây lên đến hàng triệu USD. Đã gần 10 năm giải quyết với những biện pháp cưỡng chế, giải tỏa nhưng không xong do chủ trương không đồng bộ giữa cấp ủy với chính quyền. Năm 2012, có thuyên giảm nhưng rồi lại “đâu vào đấy”. “Từ sau Tết nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, đã tái diễn tình trạng đánh bắt trái phép, ảnh hưởng đến sự an toàn hành hải của tàu thuyền ra vào cảng… tình hình không biết đến bao giờ mới kết thúc để trả lại sự bình yên, an toàn cho luồng tàu Cảng Chân Mây” – Giám đốc Cảng Chân Mây, Nguyễn Hữu Thọ lo lắng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cảng Chân Mây điểm sáng sau 10 năm và những nan giải…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO