“Cánh chim không mỏi” của xứ Trầm hương

Nguyễn Khánh Trang|29/05/2023 15:42

Nhà giáo Ưu tú, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Ngô Văn Ban sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại làng Võ Cạnh, quận Vĩnh Xương, Tỉnh Khánh Hòa (nay là xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, Ban Việt – Hán, Khóa Phan Chu Trinh (1967 – 1970). Ông từng dạy Văn học ở các trường trung học phổ thông tại huyện Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Trường Hà Huy Tập thành phố Nha Trang và trải qua nhiều chức vụ quản lý giáo dục…

Chúng tôi đến thăm thầy vào một chiều hè, thời tiết oi ả! Nha Trang mùa này… nắng và nóng. Mở cổng và đón chúng tôi là một cụ ông tóc trắng phơ với nụ cười nhân hậu, ánh mắt hiền quen thuộc mà gần 40 năm trước đã đón chúng tôi bước vào mái trường cấp III Hà Huy Tập (Nha Trang). Nhà giáo Ngô Văn Ban, người thầy kính yêu ngày đó dạy chúng tôi môn văn học.

ngo-van-ban-2.jpg
Nhà giáo Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban

Dù ông đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ có phần giảm sút sau vài lần phải vào viện cắt, mổ… nhưng trong ông chúng tôi vẫn luôn thấy được phong thái đĩnh đạc, vẫn giọng nói hào sảng, nghe ông kể chuyện còn đầy nhiệt huyết với những ấp ủ, trăn trở, nung nấu nhiều ý tưởng cho tương lai. Ông bận rộn suốt ngày, khi thì ở trong phòng máy tính, tìm kiếm thông tin, miệt mài với câu chữ, xử lý tư liệu, khi thì ra ngoài tham gia nhóm này, hội nọ, tham dự các hội thảo, các chương trình talk show, khi thì đến các trường học giao lưu, chia sẻ sách cùng bạn đọc, đặt biệt là giới trẻ, các em học sinh, sinh viên…

Ông cho chúng tôi xem nhiều bản thảo đang viết và đặt ra mục tiêu mỗi năm sẽ in một cuốn sách. Ông luôn bền bỉ, tỉ mẩn và rất khoa học trong công việc, cả một đời nặng lòng với văn hóa dân gian, thật đáng kính nể, khâm phục. Ông vẫn mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, đặt biệt là cho chúng tôi, những người đang nối bước ông trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông thực sự là “cánh chim không mỏi” của xứ sở Trầm hương trong lĩnh vực nghiên cứu Văn hóa Dân gian.

Tâm sự với chúng tôi về cuộc đời, sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, ông nói: “Từ bé, thầy đã nghiện đọc sách, sách nào cũng đọc, rỗi là đọc, đọc mọi lúc mọi nơi. Đến thời sinh viên, thầy đam mê viết lách, sáng tác thơ, viết truyện, dịch thuật các tác phẩm (từ bản tiếng Hán sang tiếng Việt), nhưng dần dà thầy nhận ra khả năng, đam mê của chính mình đó là giảng dạy, sưu tầm, nghiên cứu, viết báo, viết sách và thầy nuôi dưỡng, thực hiện đam mê đó cho đến bây giờ…”.

Qua thầy, tôi được biết thầy là học trò của nhà văn Võ Hồng, chính người thầy ấy đã khơi gợi cho ông nguồn cảm hứng và truyền cho ông ngọn lửa đam mê về nghiên cứu, viết lách… Có thể nói vị trí, vai trò của người thầy trong việc truyền kiến thức, tạo động lực, khơi gợi ngọn lửa đam mê trong sự thành công của người trò ở thời nào cũng rất quan trọng. Tiếp theo đó là sự tiếp thu và kế thừa từ hai bậc tiền bối lừng danh là: cụ Quách Tấn - nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong cuốn “xứ Trầm hương” (cuốn sách này trình bày đầy đủ từ lịch sử, địa lý, kinh tế, ẩm thực, những thắng cảnh, cổ tích và nhân sinh, bao quát mọi lĩnh vực của xứ sở này từ cổ chí kim…) và nhà nghiên cứu, nhà biên khảo Nguyễn Đình Tư trong cuốn “Non nước Khánh Hòa” (đây là công trình địa chí về Khánh Hòa, đậm chất dữ liệu nghiên cứu một cách chính thống, có tính thuyết phục và giá trị bởi số liệu…).

Cũng phải thừa nhận rằng, các tài liệu, sách thời đó cũng có một số hạn chế nhất định bởi đất nước đang trong thời chiến tranh (thuộc Pháp), các nhà nghiên cứu tiền bối khó có điều kiện để đi đây đi đó (đi thực tế) để có những trải nghiệm, có điều kiện khai thác sâu các vấn đề thuộc bản sắc văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, các tài liệu để lại được viết bằng chữ Hán nên những người tiếp cận, tham khảo cũng gặp những khó khăn nhất định.

ngo-van-ban-3-1-.jpg
Rất nhiều công trình về văn hóa dân gian của vùng đất Nam Trung Bộ, đặc biệt vùng đất Khánh Hòa của Ngô Văn Ban đã được xuất bản trong gần 3 thập kỷ qua

Trong sự nghiệp của mình, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Ngô Văn Ban đã dịch thuật khá nhiều những tài liệu, văn bản chữ Hán của các bậc tiền bối, tham khảo những tài liệu do người Pháp (các quan Tây, giáo sĩ, lính pháp…) họ đến Việt Nam khám phá, quan sát, nghiên cứu và ghi chép lại. Cùng với đó, vấn đề đi điền dã, thực địa đã theo ông suốt từ những năm tháng tuổi trẻ cho đến tận bây giờ. Có thể nói, ông là nhà nghiên cứu khá quen thuộc của thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian tại xứ sở này tính về tuổi đời, tuổi nghề, về số lượng đầu sách đã xuất bản và các công trình nghiên cứu.

Trao đổi với chúng tôi, ông chia sẻ tâm niệm rằng, mong muốn của ông là bằng cách nào đó, thật đơn giản, dễ dàng và tự nhiên nhất để các bạn trẻ, các em học sinh, sinh viên, những người con của xứ sở Trầm hương hay du khách khi tìm về/ đến đây đều dễ dàng tiếp cận, đón nhận những giá trị văn hóa quý giá, thú vị từ mảnh đất này thông qua các địa danh, lễ hội, phong tục tập quán, hương vị từ các món ăn, những câu tục ngữ ca dao, hò vè, truyền thuyết…. Và các công trình của ông là cơ sở nền tảng có giá trị, làm chất liệu và cầu nối cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá về văn hóa dân gian của các vùng miền Nam Trung Bộ, đặc biệt là vùng đất Khánh Hòa".

Chia tay thầy - nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, trong lòng tôi vẫn còn lưu luyến mãi những câu thơ về quê nhà của cụ Quách Tấn mà thầy đã ngân nga:

“Khánh Hòa là xứ trầm hương

  Non cao biển rộng người thương đi về

  Yến sào ngon ngọt tình quê

  Sông sâu đá tạc lời thề nước non”.

Phải chăng, đó là sự luyến lưu, tâm tình của những người con xa quê lâu ngày, nay “vội vã trở về,…”, hay tình cảm của khách phương xa dành cho xứ Trầm hương, một vùng địa dư thấm đẫm tình đất và người.

Hoàng hôn Nha Trang mặt trời lặn nhanh vào phía núi. Đêm về, gió từ biển khơi thổi vào làm dịu ngay cái oi ả ngày hè. Thành phố Nha Trang đã lên đèn. Nhìn từ xa xa ánh sáng quần tụ tạo thành những vệt dài đa sắc đan nhau qua những con phố. Chia tay thầy mà lòng vẫn mong sớm có dịp trở lại quê nhà, được đến thăm thầy và đón đọc những công trình mới của thầy – một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tận tụy, “cánh chim không mỏi” của xứ Trầm hương.

Bài liên quan
  • Khúc "Ballad Khác" của người xứ Trảo Nha
    Ngô Đức Hành là người xứ Trảo Nha, người mang giọng nói xứ Nghệ đi khắp mọi miền Tổ quốc. Dù đã ở Hà Nội mấy mươi năm, nhưng những gì gọi là căn cốt của miền gió Lào, cát trắng thì vẫn hiển hiện trong anh, giản dị mà kiêu hãnh của mảnh đất địa linh nhân kiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
“Cánh chim không mỏi” của xứ Trầm hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO