Khúc "Ballad Khác" của người xứ Trảo Nha

Nguyên Tô |24/05/2023 12:28

Ngô Đức Hành là người xứ Trảo Nha, người mang giọng nói xứ Nghệ đi khắp mọi miền Tổ quốc. Dù đã ở Hà Nội mấy mươi năm, nhưng những gì gọi là căn cốt của miền gió Lào, cát trắng thì vẫn hiển hiện trong anh, giản dị mà kiêu hãnh của mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Anh là một nhà báo, một nhà thơ. Anh khiến tôi nể phục bởi những bài báo ở hầu khắp các chủ đề, khiến tôi từng nghĩ, ngòi bút sắc lẻm như vậy làm gì có khoảng trống cho thơ len vào. Nhưng khi đọc thơ anh, tôi hiểu mình đã có cái nhìn phiến diện. Tập thơ “Ballad Khác” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2020, là một nét phác về con người nhà thơ trong Ngô Đức Hành.

Thơ sinh ra từ khi con người sinh ra. Thơ để lưu giữ cảm xúc của con người và nó chỉ thực sự bật ra khi cảm xúc đã tràn đầy. Ngô Đức Hành viết nhiều, với mong muốn không lặp lại mình nên “Ballad Khác” là một tập thơ rất “Khác”.

chan-dung(1).jpg
Nhà thơ Ngô Đức Hành

Hiện thực đời sống và con người đi vào thơ anh với muôn hình vạn trạng. Chỉ trong một tập thơ chưa đầy 200 trang mà tôi đã bắt gặp những lát cắt của đời sống chạy qua tim anh, ngân rung, cảm lắng với một cái nhìn sâu đến tận cùng bản thể. Có lẽ sau những bài báo đi vào từng ngóc ngách thế sự, thì thơ với anh như một bến quê hồi ngẫm để tâm hồn được chan chứa lên.

Đáng chú ý là cách anh gọi tên từng đứa con tinh thần của mình, dài nhất cũng chỉ vỏn vẹn 6 chữ, nhưng những gì anh viết đều dư ba. Bởi đọc anh, tôi thấy dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống đương đại cũng như những điều mà thời gian đã xếp nếp. Những cảm xúc hiển hiện trên trang thơ của anh, nó đa chiều, đa thanh, da diện ở mọi sắc độ. Để nếu như không dám lên tiếng, không dám viết những gì đang chất chứa thì anh thấy mình như không phải với đời, với người.

Thế đấy, anh đã nhập cuộc thật bạo liệt và dũng cảm. Những sáng tạo rất mới, nằm ngoài quy luật, “những câu thơ mẩn ngứa”, “mụn xuân” trồi lên sắc hoa khế tím “lặng lẽ, tang thương”. Mùa xuân đã mang một gương mặt khác và thơ anh cũng thế, là một nỗi canh cánh trần ai. Nhà thơ “viết hoa kí tự TỤNG CA”. Đến đây thơ anh tụng ca cả nỗi buồn. Anh sẽ là gì nếu không ca hát nỗi buồn. Ngô Đức Hành trăn trở khúc hiện sinh đang trồi quẫy khi loài người bị những co giật của quy luật sống bóp nghẹt.

“Nhà thơ không biết mình dở ương
chẳng ai ngộ ra
ương dở

anh viết hoa kí tự TỤNG CA
bỏ nỗi buồn nhân thế
mai đêm buồn
bấc ngày lụi

câu thơ corona
châm vào nhau yếm thế
gió cồn cào
ngàn năm xơ vữa

(mày đay)

Có những nỗi buồn và anh đã diễn tả thật dữ dội nhưng nỗi buồn anh lại gắn với cái hàng ngày, cái đời thường như hạt lúa, củ khoai. Người ta có thể cao đàm khoát luận về cuộc đời nhưng với anh, đời là một bữa tiệc. Khi dọn bàn tiệc đối ẩm với chính mình, anh có cơ hội đi vào những vướng mắc, có khi chỉ nhỏ như chiếc răng sâu nhưng khiến anh “vướng víu”. Bài thơ “nhọn" đã diễn tả nỗi băn khoăn Ngô Đức Hành: tẩy trần cho thanh tịnh hay ngụp lặn với gai nhọn trong cái diễn ra hàng ngày? Anh đã chọn ưu tư bản năng của nhà thơ.

ngồi xỉa ngày đã qua
bữa tiệc không như bàn tay sắp đặt

chiếc răng sâu
đàn bầu nhỏ giọt

có gì vướng víu kẽ chân

ta vừa qua tiệc tùng
đêm không đèn thì đêm dựng đuốc
trên chiếc răng chân tơ kẽ tóc
men rượu dầm chúng sinh

Chúa mệt mỏi chiêm bao
chân lý chờ giàng trần
bàn tay khuyết lỗ hà lỗ hổng
chẳng phải sâu như con người vẫn nghĩ về mặt đất

bất tận vô biên trong cõi thiên hà
thiên đường rất xa
mắc trên ngày nhọn


Ngô Đức Hành dụng công cho chữ và tiếng, kiệm lời ở mức tối giản. Nhưng khi mỗi chữ thơ của anh vang lên, không chỉ tả những gì hiện hữu mà có sức lay động ghê gớm. Nó gợi ra phận người đàn bà đằng sau bức tranh của người họa sĩ. Anh lo âu cho số phận con người.

z4072886344360_920c241e18dba3d5fe218fe6ba44d09d(1).jpg
Nhà thơ Ngô Đức Hành (giữa) nhận Giải thơ và đồng tác giả ca khúc viết về Lực lượng Cảnh vệ (Bộ Công an), năm 2022

Những sắc màu lấp lánh không che đậy nổi giọt lệ đàn bà trong nỗi đau lặng câm. “người đàn bà biến vào tranh/ sắc màu quện thành giọt nước mắt/ nàng ngồi đó lặng câm/ có nhiều điều con người không thể biết”. Nó còn bắt bám với mạch nguồn nơi quê hương anh được sinh ra, khi mẹ xé rách mình cho anh nhìn ánh mặt trời, khi cha chôn xuống mảnh vườn nhà núm nhau thân thương. “rễ tôi bám chặt rú Nghèn”.

Tôi đọc con chữ anh viết mà thấy được sự nhiệm màu, khoảnh khắc con người trải mình trong những tâm trạng phức hợp, qua những khúc quanh xó tối, xa xót phận mình, nỗi người, để cuối cùng vẫn bừng lên hy vọng “ta gác đêm chờ bình minh chưa nhú/ trái tim ngự trên đầu ai biết nhận ra?

Nhà thơ là loài yếu đuối nhất trên thế gian này, cuống quýt trước một lá vàng lìa cành, bơ vơ trong tiết đông lạnh lẽo và xốn xang trước thu vàng phai. Vì thế nhà thơ đau vô tận và yêu không bến bờ. Ngô Đức Hành với giọng thơ thế sự thì tỉnh táo, sắc lẻm nhưng trước tình yêu, mọi móng vuốt của anh đều bị mài cắt.

Người đàn ông của xứ Nghèn, dù tuổi đời đã hắt bóng, viết về yêu vẫn đằm đượm, ứa đầy nhựa sống. Anh trao tiếng yêu của mình cho mùa lá vàng phai bằng khúc “tình tự với mùa thu”. “Rãnh ngực” huyền hồ là chới với triệu triệu bàn chân đàn ông, anh khát khao về một kí ức mà tuổi trẻ “hăm hở”, “ước ao”. Và anh ở độ thanh sắc đã lùi loãng vào trầy xước cuộc đời mà vẫn đủ bạo liệt để.

xé toang hàng cúc ngực
nắng không vàng rức, nở một ngày sang


Tình Ngô Đức Hành dù thời gian có vụt trôi thì vẫn dìu thương vào giấc miên du quá khứ. Dẫu cho băng qua bao nẻo người thật thà, giả trá, lợi danh, nhàu nhược mưu sinh, tham khát hư vinh thì lòng vẫn bổi hổi như xưa.

Anh vẫn xưa
và em vẫn xưa
liếp cỏ chờ nhau dấu nằm nguyên năm tháng

anh hỏi em vì sao lau trắng
mây vẫn bay như gió qua đầu?


Yêu là vậy thôi, giản dị như bao ngày đi qua vẫn một câu hỏi miền anh và em đã thuộc về.

Trong yêu, anh thấy mình được truyền thêm năng lượng, để bước qua những vụn vỡ thực tế mà mơ. Anh có những “giấc mơ” phồn sinh. Khi đức tin vào mùa giáp hạt thì tác giả đã gieo trồng những hạt giống tâm hồn. Anh thấy chiếc “khăn lụa mỏng” phủ lên vết thương loài người. Anh chỉ thực là mình khi chảy ra cửa sông, trong những cơn sóng thao thiết của bà mẹ phù sa Hồng Hà.

tôi phồn sinh
bên cửa sông Hồng


Đau, trăn trở, yêu, mơ và hiển hiện trọn vẹn trong anh vẫn là giấc hương quan. Giữa gió bụi Kinh kỳ, lòng vẫn bỏng rát một triền cát cháy chang chang. Gói những nỗi niềm không tuổi vào mảnh xanh vời vợi của màu lá chuối thắm lên thứ nắng vàng đến độ khắc nghiệt. Anh mơ bàn tay tảo tần của mẹ và dì chằm bặp. Anh tha thiết với cánh đồng, nơi giữa những gốc rạ tê buốt ngày trở gió, đứa bé khóc chào đời. Viết đến đây, câu thơ anh như hình giọt lệ, dàn dụa niềm nhớ thương không bao giờ vơi cạn.

mẹ chằm tơi trở dạ trên đồng
sinh con vào ngày gió
dì bế bàn tay cuộc đời ngoài cửa sổ
bánh đúc bây giờ về phía mênh mông

348356229_552303723759147_3747372770546844093_n.jpg
Bìa tập thơ "Ballad Khác" của nhà thơ Ngô Đức Hành. Ảnh: Mỹ Dung

Hà Nội, quê hương thứ hai của anh cũng đầy da diết. Không mộc mạc chất quê xứ Nghệ mà xoải mình trong những rộng dài trầm tích. Một khúc sông Hồng thở than biền bãi, tòa nhà vít mây xanh, đi trong bát ngát Ba Vì tiếng chuông chùa Trầm ngân nga. Nhưng dẫu phố thị lộng lẫy đến đâu thì vẫn níu tim trai quê bởi miếng trầu têm sắc dao cau. “Dao cau” không chỉ bổ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, mà còn là mắt em đã cứa tim anh những vệt yêu. Đi giữa phồn hoa, vẫn một Ngô Đức Hành chung chiêng giữ đôi bờ bồi lở của lấp láy cát trắng và đa đoan gió bụi Kinh thành.

sông Hồng thở dốc
chín tầng cao mầu nhiệm têm trầu
Hà Nội giấu mình trong tiếng gà chưa vội gáy

em trổ dao cau
câu chuyện mới bắt đầu


Ngô Đức Hành là thế, đi xa để về gần, cuối cùng vẫn một câu hỏi, một triết lý của muôn đời mà bao người vẫn mải mê kiếm tìm.

sáng ra buồn mênh mông
đời không ưa chầm chậm
thế nào là đáng sống
thế nào là yêu thương


Thì ra anh đau đáu hay băn khoăn, buồn thương da diết cũng chính bởi vì quá yêu đời này. Mọi nỗi buồn người của anh đều là nỗi buồn tươi sáng vì nó gắn với ước mơ, khát vọng để được sống có ý nghĩa trong những chi chút cho từng mầm bé nhỏ của cuộc sống này. Ngô Đức Hành đã dạo một khúc “Ballad Khác”, ngân một khúc nhạc thơm, một tiếng thơ đẹp giữa những cơn cuồn cuộn của dòng thế cuộc mà để sống cho ra sống thật không dễ chút nào.

Bài liên quan
  • Nhà thơ Trương Nam Hương, nghe mùa trở gió hoang mang...
    Trương Nam Hương là nhà thơ nổi danh từ lúc còn trẻ. “Mẹ cho anh tuổi Mèo Tam thể”, (thơ Trương Nam Hương), nghĩa là ông sinh năm 1963, vừa tròn “Lục thập hoa giáp”. Tuổi càng "chín", thơ ông càng trong trẻo, thánh thiện...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khúc "Ballad Khác" của người xứ Trảo Nha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO