Cấp thiết ban hành chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển

Báo Công Thương|06/12/2021 08:25

(VLR) Ngày 05/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'” chính thức được khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

GDP có thể chỉ tăng 4% - 4,5% năm 2022

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 02 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới năm 2020; kinh tế thế giới suy thoái sâu, giảm; một số quốc gia phục hồi khá nhanh, nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro; lạm phát dự báo gia tăng 2021 - 2022 sẽ dịu dần từ 2023; rủi ro, thách từ thức từ dịch COVID-19 còn phức tạp (rủi ro địa chính trị; lạm phát tăng, giá cả tăng; thu hẹp các gói hỗ trợ (tapering) và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm…).

Về tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam 2020 - 2021, TS. Cấn Văn Lực nêu, tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%; quý 3/2021 giảm 6,17%, cả năm 2021 dự báo tăng 2%; Tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2020: 2,26% (2019: 1,98%); quý 3/2021: 3,98%; nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Năm 2022, GDP có thể chỉ tăng 4% - 4,5%; lạm phát tăng: 3,4% - 3,7% (từ mức 2% năm 2021). Tuy nhiên, COVID-19 cũng tạo cơ hội mới cho một số lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính (chứng khoán, quỹ..); logistics, kinh doanh trực tuyến, kinh doanh thép…” - TS. Cấn Văn Lực nhận định

Các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết

Chia sẻ về tính cấp thiết ban hành chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển, TS. Cấn Văn Lực nêu 5 rủi ro từ bên ngoài gồm: Chưa biết đến khi nào đại dịch này sẽ kết thúc, nguồn cung vaccine còn khan hiếm và phân bổ vaccine không đồng đều; kinh tế phục hồi không đồng đều, kinh tế Trung Quốc phục hồi chưa vững chắc; bất ổn, lạm phát gia tăng; các nước bắt đầu thu hẹp nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất; chi phí sản xuất, lưu thông, vận tải - kho bãi, năng lượng tăng; nợ công, thâm hụt ngân sách tăng, rủi ro nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng; rủi ro tội phạm xã hội, tội phạm công nghệ và tài chính tăng…

Đồng thời, ông Lực cũng chỉ ra 5 thách thức rất lớn trong nước gồm: Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguồn cung vaccine còn chưa chắc chắn; GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so cùng kỳ, cả năm tăng khoảng 2%; khả năng không đạt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025; đang có dấu hiệu “lỡ nhịp”, lỡ cơ hội, tụt hậu; người dân và doanh nghiệp rất khó khăn; chi phí sinh hoạt và sản xuất kinh doanh tăng; cải cách thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, giải ngân đầu tư công chậm, trong khi nợ xấu gia tăng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, dư địa mở rộng chính sách tài khóa là vẫn còn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ: Thu ngân sách nhà nước năm 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch; thâm hụt ngân sác nhà nước và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước; quy mô hỗ trợ tài khóa (gần 3% GDP) còn khá khiêm tốn.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phát biểu tại diễn đàn

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phát biểu tại diễn đàn

Các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn; các cân đối lớn và cơ cấu lại nợ công thời gian qua tạo không gian chính sách để có thể duy trì mở rộng giai đoạn 2022-2023 (chính sách “tài khóa nghịch chu kỳ”). Dư địa các gói hỗ trợ khác: Giảm tiền điện, cước viễn thông… vẫn còn.

Gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ, quan điểm và mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu và thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành cũng cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; khả năng khả thi và triển khai nhanh.

Phạm vi của chính sách cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; an sinh xã hội... Thời gian thực hiện của chính sách chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023. Đối tượng trọng tâm của chính sách lao động và người sử dụng lao động.

Về chi tiết chính sách tài khóa, TS.Cấn Văn Lực đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa, trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời (cả vốn đối ứng dự án nguồn ODA) cần bổ sung.

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, do khủng hoảng kinh tế - xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế - tài chính, do vậy, về phương diện lý luận cũng như thực tiễn, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3 - 5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ ba, các gói hỗ trợ tài khóa là hết sức cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cũng không kém phần quan trọng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn chuyển tiếp hướng tới phục hồi.

Thứ tư, đầu tư công tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ năm, trong việc triển khai các thực hiện các giải pháp về y tế cũng như kinh tế, cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết ban hành chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO