Theo GS. Nguyễn Đổng Chi (một người Nghệ), trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, sự tích cây nêu được tóm tắt như sau: ""Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, còn Người chỉ làm thuê và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức "ăn ngọn cho gốc".
Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
Phật bàn với Người đứng đầu của Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột,... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ".
Không phải ai cũng đã đọc truyện cổ tích này, nhưng cứ thấy nhau làm là làm, thành phong trào. Cây Nêu xứ Nghệ cũng muôn hình vạn trạng. Tùy theo "năng lực" chơi của từng nhà. Chú Tuấn, nhà cạnh nhà tôi ở quê nói rằng: "Chi phí ít nhất là 1,5 triệu". Cây Nêu theo đúng sách thì như thế nào?
Nêu thường làm bằng cây tre dài khoảng 5 – 6 mét vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi. Tre phải là loại tre già, to, thẳng, không được cụt ngọn. Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió,…Bên dưới gốc rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma. Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng,..
Trên ngọn Nêu buộc nhiều đồ vật (tùy từng địa phương) như: túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, vàng mã hay những chiếc khánh và con cá bằng đất nung, cùng một tán tròn bằng tre nứa dán giấy đỏ, lá dứa, lông gà, cành đa,... Những vật treo này được cho là sẽ bảo vệ và mang đến những điều hạnh phúc cho con người. Lá dứa sẽ giúp dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá.
Cái khánh - 磬 đồng âm với “khánh" - 慶, có nghĩa là phúc, điều tốt lành (theo Từ điển Hán Nôm): Năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây Nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu,…
Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp đỡ con người). Tiền vàng mã để cầu tài, cầu lộc. Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ. Trong những ngày Tết cổ truyền, một số nơi người ta còn treo một đèn lồng trên cây nêu nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu.
Tóm lại, ngoài văn hóa tâm linh, "chơi Nêu" cũng lắm công phu. Ngoài cây Tre, có nhà còn dùng thân cây Độc đình (loại cây ngày xưa lá hay được dùng làm lá ngụy trang trên vòng ngụy trang của bộ đội trên đường hành quân. Đặc điểm của loại lá này là tươi lâu). Thường hết ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống. Người Việt gọi ngày hạ cây nêu xuống là ngày Khai hạ. Tuy nhiên, dân chơi Nêu xứ Nghệ thường hạ sau rằm tháng Giêng. "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" mà, còn Nêu trước cửa nhà là còn Tết.
Xứ Nghệ ngày xưa nghèo, lại là vùng luôn được chọn "thí điểm" chính sách. Ví dụ, năm 1930 là "tập dượt" phong trào nông dân; sau hòa bình là "thí điểm" cải cách ruộng đất...; phong trào đập phá chùa chiền, miếu mạo cũng đi đầu. Do vậy mà một thời dân xứ Nghệ sống đơn giản. Nay 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã giàu, "phú quý sinh lễ nghĩa" nên văn hóa tâm linh phát triển chưa từng có. “Phong trào cây Nêu” xứ Nghệ là một trong các "phong trào". Tất nhiên, nhiều khi người chơi không cắt nghĩa được ý nghĩa, phần lớn theo nhau giống "hội chứng" vậy?!
Thực ra, "trồng cây nêu" đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam: từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai...từ lâu nay. Cây nêu còn coi là cây vũ trụ - nối liền Đất với Trời. Vì thế, tán tròn bằng giấy đỏ là tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.
Ngày 25 Tết Quý Mão