(Vietnam Logistics Review)Sáng ngày 13.11.2015, tại Cần Thơ, được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cùng phối hợp chủ trì của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA). Tạp chí Vietnam Logistics Review và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Kiên Phát (Top Service Travel) được giao phối hợp tổ chức Hội thảo: “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”.
Chủ trì Hội thảo, có ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban thường trực - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Duy Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA).
Tham dự Hội thảo với hơn 200 khách mời là lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo UBND - các Sở, ngành thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ: ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Liên Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cùng các diễn giả - chuyên gia logistics; Tổng Giám đốc/Giám đốc các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư ngành giao nhận vận tải - logistics, các nhà xuất nhập khẩu trong cả nước; cùng nhiều cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa trong cả nước.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Quang cho biết: Ngày 03.7.2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Việc thành lập được trung tâm logistics theo đúng tầm cỡ với quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽgóp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định của vùng ĐBSCL. Cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương cho vùng ĐBSCL trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, mục tiêu của vùng đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có cả việc thúc đẩy nhanh tiến trình thành lập trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, trình bày về quy hoạch hạ tầng GTVT và logistics tại ĐBSCL giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một trong những giải pháp phát triển chuỗi cung ứng – logistics, cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, giảm chi phí vận tải và gia tăng chuỗi giá trị cho hàng nông thủy sản của vùng ĐBSCL đối với thị trường quốc nội và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - thảo luận về những chính sách ưu tiên phát triển ĐBSCL và cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư cho ngành dịch vụ logistics vùng Tây Nam Bộ. Để tạo điều kiện cho phát triển logistics các cơ quan cần xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng gắn với chiến lược biển, chương trình hội nhập, tạo sự gắn kết để hội nhập quốc tế.
Đại diện Sở Công thương TP. Cần Thơ phát biểu, cần có những chính sách ưu tiên phát triển ĐBSCL và cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư cho ngành dịch vụ logistics vùng Tây Nam Bộ. Lợi thế của Cần Thơ đối với các doanh nghiệp, xu hướng phát triển logistics – những lợi thế của ĐBSCL.
Ông Lê Duy Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA xoáy sâu vào vấn đề liên kết vùng và xây dựng thương hiệu và chiến lược phát triển nguồn nhân lực logistics cho vùng Tây Nam Bộ; Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật, ông Phạm Anh Tuấn cũng đề những giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng logistics kết nối cảng biển tại ĐBSCL.
Tại Hội thảo, nhiều kiến nghị đã được đưa ra. Ban chỉ đạo cũng có những kiến nghị đối với Trung ương: Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ vùng ĐBSCL sớm thành lập được trung tâm logistics của vùng và các chính sách ưu đãi, khuyến khích riêng đối với các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) khi đầu tư thành lập trung tâm logistics vùng ĐBSCL. Các bộ, ban, ngành nên có những chính sách ưu đãi riêng đối với các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) khi đầu tư thành lập trung tâm logistics vùng ĐBSCL, góp phần tích cực cho việc phát huy thế mạnh của vùng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về giao thông của vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt để phát huy tốt hiệu quả của trung tâm logistics vùng ĐBSCL. Và đẩy mạnh việc quảng bá về logistics và xúc tiến thương mại với các nước về các mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL (gạo, thủy sản, trái cây).
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất với Hội thảo và đề nghị cần lưu ý tập trung vào vấn đề: Nâng cao chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cho ĐBSCL,cần phát triển bền vững và vấn đề an ninh lương thực đang trở nên quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Sức ép cạnh tranh và các vấn đề nông thủy sản đang chịu phải áp lực lớn trong thị trường xuất khẩu; Cần sớm hoàn thiện và tối ưu hóa chuỗi dịch vụ logistics của Việt Nam, logistics cần phải được quan tâm đúng mức;Rà soát lại các điều kiện và các chính sách giúp cho logistics vùng ĐBSCL phát triển. Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành cho sự phát triển chuỗi cung ứng trong toàn hệ thống logistics của cả nước; Ghi nhận và sẽ hoàn thành chương trình hành động phối hợp với các bộ ngành để cụ thể hóa chương trình phát triển ĐBSCL vào tháng 4.2016; Ý kiến xây dựng trung tâm logistics ở Cần Thơ rất đáng lưu tâm, trong đó có nhiều lợi thế cho sự kết nối vùng; Hai dự án trung tâm logistics bằng phương án TPP (đầu tư công tư) rất đáng được ghi nhận và nghiêm túc tìm hiểu cơ chế tổ chức thực hiện.