(Vietnam Logistics Review)Hai ngày 4 và 5.5.2017 vừa qua, Chính phủ Australia và Tổng cục Dạy nghề Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo: “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” tại TP. Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Australia - Việt Nam giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Australia giai đoạn 2016 – 2020 với ngân sách là 146 triệu AUD do Chính phủ Australia hỗ trợ và là 1 trong 05 phần chính của Chương trình Aus4skills giai đoạn 2016 – 2020.
Chương trình Aus4skills giai đoạn 2016 – 2020 có 5 hợp phần chính bao gồm:
- Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
- Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học vùng Tây Bắc
- Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong lãnh đạo
- Hỗ trợ kế hoạch đầu tư viện trợ của Australia
- Hỗ trợ các mối quan tâm rộng hơn của Australia.
Hội thảo: “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” tại TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của Bà Karen Lanyon – Tổng lãnh sự quán Australia; Bà Rachel Ingwersen - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ông Graham Alliband – Giám đốc Chương trình Aus4skills, Lãnh đạo của Tổng cục Dạy nghề Việt Nam, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề cũng như đại diện các trường Đại học, cao đẳng & trung cấp nghề tại khu vực phía Nam.
Các khách mời trao đổi sôi nổi tại buổi hội thảo
Trong 02 ngày hội thảo, Hội thảo đã thảo luận đề xuất của Chính phủ Australia về cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng như các hoạt động phối hợp nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động có kỹ năng của thị trường lao động Việt Nam, đặt biệt là lao động trong ngành logistics.
Nhận định của hội thảo sau khi tổng hợp các ý kiến của hai ngày làm việc, về chất lượng đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong đó nổi bật là các kỹ năng và năng lực giảng dạy chưa liên quan đến nhu cầu của ngành, chất lượng chương trình đào tạo chưa cao, và cơ hội tiếp cận được đào tạo chưa đồng đều. Đồng thời cũng đưa ra các hướng hoạt động để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt biệt là lĩnh vực logistics với các ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn của VLA & lãnh đạo các doanh nghiệp logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo cũng đã giới thiệu dự án đa quốc gia về xây dựng tiêu chuẩn nghề trong dịch vụ vận tải và logistics, đề xuất phương thức hợp tác, kế thừa dự án APEC về xây dựng tiêu chuẩn nghề trong dịch vụ vận tải và logistics.