Nông dân huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thu hoạch xoài.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xuất khẩu một số loại trái cây sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nên giá thu mua giảm sâu, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, có thời điểm còn thua lỗ.
Nhiều loại trái cây rớt giá
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết: "Toàn tỉnh có diện tích cây ăn quả hơn 43.000 ha, trong đó cây có múi hơn 13.000 ha, xoài hơn 3.000 ha, mít gần 10.000 ha, mãng cầu xiêm 693 ha... với sản lượng ước đạt khoảng 501.000 tấn". Hiện nay, giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định, dẫn đến thua lỗ đang là tình cảnh chung mà các nhà vườn tại Hậu Giang gặp phải. Điển hình như mít thái siêu sớm giảm giá mạnh trong gần một tháng nay, khi từ 28.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg đối với mít loại 1 và mít loại 2 chỉ còn 2.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, giá mít phải từ 15.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi. Vì thế, nhiều nhà vườn tỏ ra chán nản, bỏ mặc, không mặn mà chăm sóc.
Ông Võ Văn Sàng, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) chia sẻ: "Hơn 10 năm trước với gần 10 công đất, gia đình trồng mận rồi táo, cam… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thời điểm đó, thấy cây mít dễ trồng, công chăm sóc ít mà đầu ra cũng thuận lợi nên gia đình chuyển sang trồng loại cây này. Cách đây khoảng 5 năm, giá mít có lần tăng cao từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg. Có nhà vườn trúng mùa, trúng giá, thu nhập mỗi công cả trăm triệu đồng. Nhưng sau đó, giá mít lao dốc, rồi đến dịch Covid-19 bùng phát, giá xuống còn khoảng 5.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua. Bây giờ cuộc sống trở lại bình thường mới nhưng giá vẫn thất thường". Anh Nguyễn Hoài Giang có nhiều năm trong nghề đi mua mít bán cho các vựa mít nói thêm: "Những năm trước, một công mít cho năng suất từ một tấn trở lên nhưng gần đây giá cả luôn xuống thấp, bà con thua lỗ nên ít chăm sóc dẫn đến năng suất giảm chỉ còn 7 đến 8 tạ/công, chất lượng mít cũng giảm theo. Thường mít loại 1 (quả đẹp, trọng lượng từ 9 kg trở lên) chỉ chiếm khoảng 50%, số còn lại là mít loại 2, giá rất thấp và nếu gặp phải sơ đen thì không ai mua. Những năm qua, bà con phát triển rất mạnh cây mít thái siêu sớm này, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian qua, do xuất khẩu gặp khó khăn nên rớt giá. Như năm công mít của gia đình tôi, với giá như hiện nay chỉ đủ bù tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể tiền công chăm sóc".
Thời gian qua, nông dân trồng xoài và thanh long ở Đồng Tháp như "ngồi trên đống lửa" khi giá giảm sâu, dẫn đến lỗ nặng. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Thu Vân, ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long, huyện Lai Vung cho biết: "Gia đình tôi trồng 1,5 công thanh long; cách đây ba tuần thu hoạch bán cho thương lái chỉ được 3.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu vào, gia đình lỗ bảy triệu đồng. Gia đình tôi đang tính chặt bỏ vườn thanh long nhưng vẫn tiếc công trồng, chăm sóc nhiều năm qua". Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh Võ Việt Hưng chia sẻ: "Hợp tác xã có 102 xã viên, diện tích trồng xoài hơn 90 ha. Giá xoài tượng da xanh hiện chỉ còn 6.000 đồng/kg, xoài cát chu 9.000 đồng/kg; riêng xoài Hòa Lộc thời điểm cận Tết Nguyên đán vừa qua giá bán hơn 80.000 đồng/kg nay giảm còn hơn 35.000 đồng/kg. Năm nay bà con trồng xoài trúng mùa nhưng lỗ nặng do giá thấp, trong khi giá thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tăng cao. Việc tiêu thụ xoài hiện nay chủ yếu nội địa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu trái xoài vẫn còn nhiều khó khăn".
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Hoàng Phát, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Khắc phục tình trạng sản xuất theo phong trào
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến giá trái cây ở Nam Bộ hiện nay "lao dốc" là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến xuất khẩu khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân không nhỏ là nhiều nơi, bà con nông dân sản xuất không theo quy hoạch, chạy theo phong trào khi giá thị trường tăng nhất thời... Như tại tỉnh Hậu Giang, mặc dù ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng người dân vẫn chạy theo phong trào, không theo quy hoạch. Hệ quả là một số loại cây ăn quả lâm vào cảnh rớt giá, thậm chí không có người mua. Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, lịch thời vụ đã khuyến cáo... vẫn còn hạn chế. Điển hình như cây mít, nếu như 5 năm trước, diện tích trồng có khoảng 5.000 ha tập trung ở huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy, thì nay đã lan rộng ra nhiều địa phương với diện tích lên gần 10.000 ha.
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây ăn quả với gần 40.000 ha, sản lượng hằng năm khoảng 400.000 tấn, trong đó diện tích xoài khoảng 13.000 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Nói về những khó khăn trong tiêu thụ trái cây trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng logistics, kho, bến bãi... tại các cửa khẩu biên giới phía bắc còn hạn chế nên khi hàng hóa tập kết không có nơi để đóng gói, sơ chế, tạm trữ trong thời gian dài, gây tình trạng ùn ứ, hàng hư hỏng, thiệt hại nhiều. Bên cạnh đó, do sản xuất quy mô nhỏ nên chất lượng nông sản không đồng đều, sản lượng thiếu ổn định. Mặt khác, trước rào cản về thương mại lẫn kỹ thuật khiến việc xuất khẩu nông sản ngày càng khó khăn hơn.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước sản lượng quý II năm 2022 các địa phương vùng Nam Bộ với tám loại cây ăn quả chính (thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng) là 1,2 triệu tấn, trong đó vùng Đông Nam Bộ là 246,6 nghìn tấn, đồng bằng sông Cửu Long là 943,5 nghìn tấn. Đây là sản lượng không nhỏ, nếu không có giải pháp kịp thời trong khâu tiêu thụ rất có khả năng các nhà vườn tiếp tục gặp cảnh "được mùa, mất giá". Do vậy, các địa phương cần vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã... Đặc biệt cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất. Hơn nữa, các địa phương cũng cần có định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng; tăng cường quản lý, giám sát thực hiện bảo đảm phát triển đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua việc quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho rằng, nhằm bảo đảm tiêu thụ trái cây, thời gian tới, tỉnh ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Australia... và xuất chính ngạch sang Trung Quốc đối với xoài. Riêng thị trường trong nước, tập trung tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối... Tỉnh đang ưu tiên kêu gọi xây dựng nhà máy chế biến tiếp nhận trái cây không đạt chuẩn để chế biến nước, sấy và nhiều sản phẩm khác. Chẳng hạn, đầu năm 2022, tại Đồng Tháp diễn ra lễ khởi công Nhà máy chế biến nông sản thực phẩm Thành Ngọc ở huyện Châu Thành. Nhà máy nằm ở vị trí được xem như là trung tâm vùng nguyên liệu của đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy có kho lạnh quy mô 700 tấn, khu trữ nguyên liệu khoảng 1.000 tấn. Còn tại Hậu Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp, nhằm từng bước hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Trong đó, đối với cây ăn quả, có hai loại cây chanh không hạt và mít được chọn trong nhóm sản phẩm chủ lực nhằm tập trung đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thị trường.