(Vietnam Logistics Review) Theo như quan sát, hầu hết hoạt động sản xuất trên thế giới đã và đang chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á và sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới. Mặc dù điều này đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm hơn cho châu Á, nó cũng gây nên gánh nặng môi trường đáng kể trong khu vực.
Khái niệm quản lý chuỗi cung ứng xanh thường được hiểu là làm kinh doanh với các nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, qua nhiều năm, định nghĩa về chuỗi cung ứng xanh không chỉ giới hạn như trên, mà còn bao gồm việc hợp tác với các nhà cung cấp trong thiết kế các sản phẩm xanh, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức, và giúp các nhà cung cấp thiết lập chương trình vì môi trường của riêng mình.
XU HƯỚNG
Ở châu Á, có một số yếu tố giải thích cho lý do tại sao các DN đang dần hướng đến quản lý chuỗi cung ứng xanh. Một trong số đó là ngày càng nhiều cổ đông cam kết theo hướng phát triển bền vững. Họ gồm các chính phủ, các nhà bán lẻ và các DN khác; một chiếc ô rộng không chỉ bao gồm phân khúc người tiêu dùng.
Có một xu hướng đang phát triển ở châu Á, theo đó người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh. Điều này là do họ bắt đầu nhận thức được thực tế rằng sử dụng các sản phẩm xanh không còn là một sự lựa chọn, mà là một điều tất yếu.
Trong một cuộc khảo sát tiến hành trên 17 quốc gia và hơn 13.000 người được hỏi, khoảng 70% người tiêu dùng Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận trả mức giá cao hơn 5%, tiếp theo là Úc với 57% và Singapore ở mức 55%.
Một lý do khác khiến các công ty ở châu Á bắt đầu áp dụng thực hành chuỗi cung ứng xanh là do áp lực từ phía các nhà bán lẻ. Ví dụ, các quy định nghiêm ngặt của châu Âu về Giảm các chất độc hại (RoHS), Chất thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) và quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép, hạn chế các chất hóa học (REACH) buộc các nhà cung cấp ở châu Á phải thay đổi phương pháp sản xuất trong khi các chính phủ cố gắng hài hòa luật pháp của mình với thực tế thương mại.
Để có hiệu quả, chuỗi cung ứng xanh nên được thực hiện trong tất cả các giai đoạn của mô hình tham chiếu chuỗi cung ứng SCOR. Trong giai đoạn lập kế hoạch, các công ty có thể bắt đầu bằng cách sử dụng các công cụ như tính toán chi phí môi trường, phân tích vòng đời môi trường và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn tìm nguồn cung ứng, các chuyên gia thu mua có thể tham gia vào khâu kiểm toán môi trường thực hiện bởi một bên thứ ba, và làm việc với các nhà cung cấp có chứng chỉ môi trường như Green Seal hoặc Blue Angel.
Trong quá trình sản xuất thực tế, DN nên tập trung vào thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm sử dụng các công cụ như ISO 14000. Công cụ này giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của quản lý môi trường, cung cấp các công cụ thiết thực để DN và tổ chức xác định và kiểm soát tác động của họ lên môi trường trong khi liên tục cải thiện thành tích môi trường.
Khi xuất hàng hóa thành phẩm, DN cũng nên đặt trọng tâm vào logistics xanh để đo lường và giảm thiểu các tác động của hoạt động logistics lên hệ sinh thái, bao gồm các hoạt động của dòng sản phẩm chuyển tiếp cũng như logistics ngược giữa điểm xuất phát và điểm tiêu thụ.
NHỮNG THÁCH THỨC TRONG CHUỖI CUNG ỨNG XANH
Chuyển đổi quá trình và hoạt động chuỗi cung ứng theo hướng bền vững đòi hỏi DN phải xác định và phân tích một số rào cản và thách thức.
Thách thức lớn nhất của phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng chính là chi phí. DN bị giằng xé giữa việc giảm tác động của hoạt động kinh doanh lên môi trường và tăng chi phí tài chính. Họ gặp mâu thuẫn về việc liệu nên theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, hay nên có trách nhiệm với môi trường mà hy sinh một phần lợi nhuận.
Một thách thức khác đó là đối phó với sự phức tạp ngày càng tăng do các vấn đề phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng. Tồn tại một thế tiến thoái lưỡng nan giữa sự bền vững xã hội và bền vững môi trường, nơi mà những cải tiến trong khả năng tiếp cận và cơ sở hạ tầng có thể làm tăng tính di động, nhưng mặt khác cũng dẫn đến suy thoái bền vững môi trường do các hoạt động logistics ngày càng tăng.
Do đó, thách thức lớn cho nghiên cứu quản lý chuỗi cung ứng là sự phát triển của các mô hình và quan điểm mới. Điều này là cần thiết để giúp đỡ các cá nhân và DN nắm bắt và đương đầu với sự phức tạp ngày càng tăng do phát triển bền vững mang lại.
Hiện nay, phủ xanh chuỗi cung ứng đã bắt đầu bén rễ tại châu Á. Số liệu cho thấy 79% DN hàng đầu đạt chuẩn ISO 14001 tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức cho các nhà cung cấp của mình, trong khi 76% thường xuyên thông tin cho các nhà cung cấp về những lợi ích của quy trình sản xuất sạch, và 71% đầu tư vào việc hướng dẫn các nhà cung cấp thiết lập các chương trình môi trường.
Các công ty đã tiến hành các sáng kiến môi trường và vận động “phủ xanh” các nhà cung cấp nhận thấy điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của họ và, về lâu dài, tăng kết quả hoạt động kinh tế