Chuyển đổi số báo chí: Thời cơ và thách thức

Ngô Đức Hành |18/10/2022 08:13

Chuyển đổi số là xu thế về công nghệ trên toàn cầu, do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại; đã và đang tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống của đất nước ta.

word-image-17-1024x576.png
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông mở ra “chân trời mới” cho các “sứ giả” thông tin

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức.

Báo chí Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Thật vậy, báo in truyền thống đã và đang bị thu hẹp phạm vi và đang đứng trước thách thức vô vùng lớn. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, thì các cơ quan báo chí bắt buộc phải phải nhanh chóng đón đầu công cuộc chuyển đổi số.

Đối với báo chí, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công cuộc chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".

Từ những chủ trương trên, ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó sẽ hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số:

- Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số;

- Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần;

- Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

9917-1665734476-img-20221014-151126.jpg
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông & PBKT, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tại hội thảo về chuyển đổi số ngày 14/10. Ảnh: Lê Hồng

Trong những năm gần đây và đặc biệt 2 năm đại dịch Covid-19 (2020-2021), các cơ quan báo chí cũng như các lĩnh vực, ngành nghề khác, báo chí chịu tác động ảnh hưởng nặng nề, nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn bị nhiễm bệnh, một số tòa soạn phải thực hiện cách ly, làm việc 3 tại chỗ, số lượng báo in suy giảm nghiêm trọng do không thể đưa đi phát hành vì chiến lược cách ly của cả hệ thống để chống lây lan dịch Covid-19. Cùng với đó, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân đã chuyển mạnh sang báo điện tử và mạng xã hội.

Trước những biến động mạnh mẽ do xu thế phát triển công nghệ, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm giải pháp cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Thách thức đầu tiên, chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Hiện phần lớn trong nhóm cơ quan báo chí này đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, CMS của các doanh nghiệp cung cấp như: ePi, VCCorp, 24h, FPT, Netlink… hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống Lưu trữ đám mây. Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít. Rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành. Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin, song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này cũng khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.

Thách thức thứ hai, đó là việc các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các xu hướng trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Đó còn là xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao khiến cho việc tiếp cận thông tin báo chí của cá nhân trở nên ít đi, dòng thông tin báo chí có thể bị chèn, lấp bởi các thông tin khác.

Thách thức thứ ba, các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Không ít tác phẩm báo chí công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian - thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe và sinh mạng của người làm báo - thì mới có được để phục vụ độc giả và phát triển thương hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau khi đăng/ phát thì đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube copy về, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn; hoặc “xào nấu” lại để đăng/ phát theo ý đồ riêng, làm sai lệch nội dung, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, các nền tảng nội dung xuyên biên giới (Facebook, Google, Youtube...) đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích... Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo luật chơi của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ (cả về doanh thu, dữ liệu) mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam. Các công ty sở hữu nền tảng này đều cho rằng, nội dung trên nền tảng của mình là tự do, không bị phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay 85% thị phần quảng cáo của cả nước là thuộc về các nền tảng mạng xã hội, chỉ có 15% là quảng cáo trên báo chí.

Thách thức lớn nhất đó là việc ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên internet, việc đánh mất vai trò trên không gian mạng của các cơ quan báo chí do chậm chuyển đổi số làm cho các nền tảng xuyên biên giới bị kẻ xấu tăng cường lợi dụng. Báo chí Việt Nam nói chung đã khó khăn, báo chí thuộc hiệp hội càng khó khăn.

Theo “Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến 2025 và định hướng đến năm 2030”, để thực hiện các mục tiêu Chiến lược, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó báo gồm những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai Chiến lược.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; Thứ ba, phát triển các sản phẩm báo chí số; Thứ tư, phát triển nền tảng số; Thứ năm, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí; Thứ sáu, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Để chuyển đổi số báo chí đòi hỏi Nhà nước đảm bảo được những nền tảng, điều kiện và thể chế cơ bản để bảo vệ, quản lý và phát triển được báo chí trên không gian mới. Không phải cơ quan báo chí nào nào cũng sẽ thành công, và đó là điều bình thường, là sàng lọc tự nhiên để chỉ giữ lại những cơ quan báo chí mạnh, có đủ điều kiện hoạt động và phát triển. Do đó, vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo ra nền tảng, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực, là rất quan trọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí: Thời cơ và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO