(vietnam Logistics Review) Ngày 2.12, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng với kì vọng đem lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu Việt Nam, trong đó thủy sản là một trong 2 ngành chính.
Cơ hội vàng từ EVFTA...
Thủy sản Việt Nam đã có 20 năm vào thị trường EU. Theo đại diện của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đang là nước có số DN đủ điều kiện được cấp phép XK vào châu Âu nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Hiện có khoảng hơn 461 DN đã đủ điều kiện vào EU (chiếm 75%). XK thủy sản sang EU đã đạt bước tăng trưởng khá tích cực khi các DN ngày càng đáp ứng được yêu cầu của EU về an toàn thực phẩm và DN thủy sản đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ EU. Theo nhận định, FTA với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành mở rộng thị phần tại EU.
Với mức thuế suất thấp hơn 3,5% so với mức thuế thông thường trong GSP, đã có tới 80% hàng thủy sản tận dụng ưu đãi GSP. Theo phân tích của Tổng cục Thủy sản, thị trường EAEU từ trước đã nhập khẩu nhiều mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam. Trước khi có Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU thì mức thuế của mặt hàng này vào khoảng 35%, nay về bằng 0% thì đây là lợi thế giúp hàng thủy sản Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn với các nước khác.
Theo nội dung kí kết, hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế (87,4-95,7%). Nhóm không cam kết mở cửa thị trường là 1.433 dòng thuế (12,6-4,3%). Trong đó, một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam được ưu đãi khá cao. Đối với ngành thuỷ sản, với 95% số mặt hàng mở cửa hoàn toàn, lộ trình tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch XK trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh XK. Tất cả những mặt hàng được cắt, giảm ở mức cao về thuế đều là những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và có bề dày XK. Với những ưu đãi đó, đây là cơ hội “vàng” cho DN Việt Nam để đẩy mạnh XK và chiếm lĩnh thị trường EU.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh cơ hội thì cũng sẽ có không ít thách thức cho DN Việt Nam. Bởi xét về thực tế, năng lực cạnh tranh của DN Việt chưa cao, khu vực DN tư nhân vẫn còn nhỏ và vốn ít. Điều này sẽ dẫn đến việc hàng hóa DN nội sẽ phải cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh này. Do đó, DN Việt Nam cần phải xác định rõ ràng về lợi thế của mình và định vị được ngành hàng, sau đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Như vậy sẽ giúp doanh nghiệp bước đi được từng bước vững chắc vào thị trường EU. Đồng thời, DN nhanh chóng nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn, dài hạn gắn với các lộ trình giảm thuế.
... đến AEC
Không chỉ chờ lợi thế từ VEFTA, từ ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập. Với sự kiện này, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mới, các DN XK thủy sản cần tận dụng và tranh thủ các cơ hội để tăng XK.
Theo nhận định của VASEP, khi AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Dự báo năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên, cao hơn nhiều nước khác trong khu vực. Cụ thể, GDP trung bình của Đông Á là 6,1%, Việt Nam sẽ đạt 5,8%, chỉ xếp dưới Philippines (6,5%), còn lại là trên Thái Lan (4%), Indonesia (5,6%), Malaysia (5%)...
Tính đến hết tháng 10-2015, ASEAN vừa là thị trường XK lớn thứ 6 của thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hông Kông và Hàn Quốc) cũng vừa là đối tác nhập khẩu đứng thứ 7 của DN thủy sản Việt Nam. Giá trị XK thủy sản sang ASEAN tăng trưởng 5-10%/năm. Riêng 10 tháng năm 2015, tổng giá trị XK thủy sản Việt Nam trong khu vực tăng 33,6% so với 5 năm trước. Cụ thể, cá các loại khác có giá trị XK lớn nhất đạt gần 170 triệu USD, tăng 112% so với năm 2011; giá trị XK cá ngừ đạt 31,7 triệu USD, tăng gần 57%; nhuyễn thể (mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) tăng 8,7%.
Vừa là thị trường XK lớn, nhưng ASEAN cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu truyền thống, chất lượng tốt. 9 tháng năm 2015, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ ASEAN đạt 87,7 triệu USD, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các thị trường nguyên liệu khác như: Ấn Độ, Đài Loan, Peru, ASEAN là nguồn cung lớn của các nhà nhập khẩu tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam. Trong 9 thị trường XK trong khu vực, Thái Lan là đối tác đặc biệt quan trọng của DN thủy sản Việt Nam. 10 tháng năm 2015, giá trị XK thủy sản sang Thái Lan đã chiếm đến 44,2% tổng giá trị XK sang cả ASEAN, tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philippines. Nằm trong mối quan hệ láng giềng vừa hợp tác nhưng cũng nhiều cạnh tranh, Thái Lan và Việt Nam là hai nguồn cung hàng đầu thủy sản cho thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, sức cạnh tranh của các DN thủy sản Việt Nam thường yếu hơn so với các nước trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu là do thuế nhập khẩu cao, các chính sách pháp luật của Thái Lan, Singapore cũng thuận lợi hơn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để XK.
Thành lập ACE là một bước tiến mới và quan trọng trong tiến trình hợp tác kinh tế của cộng đồng ASEAN, lợi thế cạnh tranh sẽ tốt hơn khi các DN thủy sản được hưởng chung một môi trường kinh tế thương mại bình đẳng và thuận lợi. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là cơ hội lớn để các DN thủy sản nắm thời cơ để tận dụng và gia tăng nhập khẩu, thúc đẩy XK không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng nâng lên một tầm mới, trong đó, nhiều đối tác láng giềng, trong đó có Thái Lan đang là “đối thủ” nặng ký vì Chính phủ nước này kiểm soát rất tốt hoạt động sản xuất nguyên liệu ngay từ đầu vào của sản phẩm trước khi đến nhà máy có công suất chế biến lớn gấp nhiều lần các DN thủy sản Việt Nam.