Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019 đã trở thành một sự kiện thường niên, là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu quảng bá, kết nối giao thương, đặc biệt là các cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định tính chất bổ trợ là đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (thời điểm Hoa Kỳ chính thức xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD vào năm 2001 (là thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại BTA có hiệu lực) và đạt 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 35,4 tỷ USD. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019 khi nói đến các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Trong khi Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi hay lợi thế về nhân công như dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử,…
Ở chiều ngược lại Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ làm đầu vào cho hoạt động sản xuất … để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng rất nhanh của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng ngày càng quan tâm các sản phẩm “Made in USA”, Việt Nam được dự báo là thị trường cực kỳ tiềm năng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, từ sản phẩm nông nghiệp, viễn thông, hàng không, năng lượng, tới dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh tế số, y tế, giáo dục, …
Diễn đàn đã tập trung thảo luận các vấn đề: Cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến chính sách mới nhất của Mỹ; Phân tích cơ hội và thách thức của Việt Nam trong bối cảnh xung đột thương mại thế giới và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu; Giới thiệu Chương trình hành động của Chính phủ về các biện pháp ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp cũng như định hướng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới và Giải pháp thu hút dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam; Khuyến nghị giải pháp và định hướng để doanh nghiệp có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen.