Cơ sở hạ tầng logistics trong phát triển kinh tế Việt Nam

PGS.TS An Thị Thanh Nhàn|17/07/2023 14:46

Cơ sở hạ tầng logistics là một trong những thành phần cốt lõi của hệ thống logistics quốc gia, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics như đường bộ, đường cao tốc, cảng, đường sắt, sân bay, cảng cạn, cơ sở hạ tầng kho bãi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế bền vững và cân bằng của mọi miền đất nước.

Do cơ sở hạ tầng logistics cũng là thành phần cơ bản của hạ tầng kinh tế quốc gia, nên cải tạo hạ tầng logistics cũng đồng nghĩa với việc đầu tư cho hạ tầng phát triển kinh tế đất nước.

1. Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng logistics với phát triển kinh tế quốc gia

Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa hệ thống logistics quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia có tên “Logistics systems as factor of country’s competitiveness” năm 2011, tác giả Navickas et al. (2011) đã đưa ra cơ chế tác động của đầu tư hạ tầng logistics đối với tăng trưởng kinh tế. 

820-lung-linh-cang-bien-trongluan-compressed.jpeg

Theo nghiên cứu này, đầu tư vào hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao năng lực hệ thống logistics, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ logistics và nâng cao giá trị gia tăng. Từ đó, tạo điều kiện hạ thấp chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển và tạo cơ hội mở rộng kinh doanh. Kết quả là, quá trình này làm tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh cho quốc gia và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cơ chế tác động của đầu tư cơ sở hạ tầng logistics tới tăng trưởng kinh tế được phân tích như sau:

» Trước hết, cơ sở hạ tầng logistics phát triển giúp kết nối cung cầu, làm tăng nhu cầu về hàng hóa và khai thông các dòng thương mại: Thách thức lớn nhất mà các công ty phải đối mặt trên thị trường quốc tế là thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu sản phẩm, từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất, đến phân phối ra thị trường. Vì vậy, cơ sở hạ tầng logistics cải thiện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác nhanh hơn, cung ứng sản phẩm kịp thời hơn, nhanh chóng san bằng khoảng cách cung và cầu, nhờ đó các dòng thương mại hàng hóa được khai thông. Hệ thống logistics tạo ra các tiện ích về địa điểm, thời gian cho hàng hóa, nên khi cơ sở hạ tầng logistics tốt hơn, nhu cầu của các loại hàng hóa sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tính di động tăng lên, sự dịch chuyển thông suốt. Phạm vi thị trường phục vụ khách hàng rộng lớn hơn, nhờ đó tổng doanh số bán sản phẩm tăng lên, kinh doanh mở rộng và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

  • »  Giúp giảm thời gian cung cấp nguyên liệu và phân phối hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cấp quan trọng và đúng hạn: Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics mang lại lợi ích trực tiếp cho sản xuất và phân phối do tiết kiệm thời gian dịch chuyển hàng hóa. Nhờ đó, các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường nguyên liệu và thị trường hàng hóa xa xôi, dòng vốn đầu tư được thu hút vào các khu vực rộng lớn hơn, kích thích sản xuất địa phương, giúp phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền đất nước. Một hệ thống logistics hiệu quả còn giúp các công ty cung cấp sản phẩm kịp thời, an toàn cho các thị trường quốc tế có khoảng cách lớn. Chất lượng và thời gian vận chuyển được đảm bảo với sản phẩm dễ hỏng, giá trị cao như hoa quả và hải sản tươi sống.
  • »  Giúp giảm chi phí logistics và kinh doanh: Cơ sở hạ tầng logistics cải thiện sẽ giúp duy trì chi phí logistics ở mức thấp vì việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, không bị gián đoạn nhờ vào mạng lưới cảng, ga, đường sắt, đường bộ và đường hàng không được kết nối tốt hơn.Ví dụ, ở Trung Quốc, kết nối đường bộ tốt nên một chiếc xe tải có thể đi 1.300 km vào quốc gia này trong khoảng 74 giờ. Với khoảng cách tương tự, từ Delhi tới Kolkata ở Ấn Độ phải mất 144 giờ. Sự chậm trễ này không chỉ kéo dài thời gian cung ứng hàng hóa mà còn làm tăng chi phí vận chuyển do bị đình đốn, tăng chi phí cơ hội bán hàng. Làm giảm chất lượng của một số loại hàng hóa và và phải bán với giá thấp hơn trên thị trường.

» Cuối cùng, cải thiện hạ tầng logistics giúp mở rộng thị trường toàn cầu: Khi hạ tầng cơ sở logistics cải thiện sẽ thúc đẩy sự kết nối mạng lưới của các công ty logistics toàn cầu, điều này giúp các nguồn hàng tiếp cận khách hàng ở mọi vị trí trên thế giới. Ví dụ, rau quả Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn, nhưng chỉ có thể đóng góp vào thị trường thế giới nếu cải thiện cơ sở hạ tầng logistics lạnh, nếu không các cơ hội kinh doanh này sẽ bị bỏ lỡ. Hơn thế nữa, khi cơ sở hạ tầng logistics tốt hơn sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn là động lực quan trọng của mở rộng kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ các nước đang phát triển thường có chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng logistics nhằm tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên tác động của đầu tư cơ sở hạ tầng logistics ở các nhóm quốc gia là không như nhau. Nghiên cứu được thực hiện bởi Han et al. (2020) cho thấy, nếu giữ nguyên các yếu tố khác, việc tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất thêm 1% trong năm trước sẽ làm tăng trưởng GDP trung bình thêm 0,30% ở năm sau. Kết quả nghiên cứu cũng chứng minh rằng tác động này ở các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN cao hơn 0,59% so với các nền kinh tế tiên tiến. Phát hiện này chỉ ra rằng, với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tiếp tục phát triển nền kinh tế sẽ có hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay.

shutterstock_661296451-compressed.jpeg

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng logistics và phát triển kinh tế ở Việt Nam

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (bình quân trên 6%/năm) nhưng được cho rằng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do hệ thống logistics không hiệu quả, và điều này tập trung vào hạn chế khá lớn về cơ sở hạ tầng logistics. Thực tế này đã thúc đẩy Chính phủ có những động thái đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng logistics trong 10 năm trở lại đây. Số liệu thống kê của Asian development Bank cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng lớn nhất (5,8%) trong khu vực năm 2017.

Xu hướng đầu tư này vẫn đang được duy trì, và theo dự báo tới năm 2025, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ đầu tư vào cơ sở hạ tầng lớn nhất trong khu vực như Philippine (10%), Việt Nam và Malaysia (9%).

Lợi ích của chính sách đầu tư vào hạ tầng quốc gia và logistics đã thể hiện khá rõ ở kết quả tăng trưởng ngành logistics từ 2007 tới nay. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2023, chỉ số năng lực logistics quốc gia của Việt Nam đã tăng lên ở vị trí 43 với tổng điểm LPI đạt 3,3 trong thang điểm từ 1 đến 5. Sự gia tăng tổng điểm trong chỉ số LPI quốc gia từ năm 2007- 2023 dựa trên sự cải thiện riêng lẻ các chỉ số phát triển logistics. Trong đó, đáng kể nhất là chỉ số về cơ sở hạ tầng ở vị trí 60 với số điểm là 2,5 năm 2007 đã tăng lên vị trí 47 với số điểm 3,2.

Bài liên quan
  • Nhịp điệu logistics
    Sáng 14/7, Bộ Giao thông Vận tải công bố quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc với 30 cảng đến năm 2030 và hình thành 33 cảng đến năm 2050. Cũng trong ngày, khởi công hai đường kết nối sân bay Long Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở hạ tầng logistics trong phát triển kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO