“Cơn ác mộng” của ngành vận tải thế giới kéo dài sang năm 2022

Báo Hải quan|31/12/2021 09:28

(VLR) Trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt và các chính phủ tăng cường biện pháp hạn chế người nhập cảnh, nhiều công ty logistics (vận tải và hậu cần) lớn nhỏ trên thế giới không thể tìm được lao động. Theo Liên đoàn Vận tải Đường bộ Quốc tế, khoảng 1/5 vị trí tuyển dụng tài xế xe tải chuyên nghiệp đang bị bỏ trống cho dù doanh nghiệp đã đề nghị mức lương cao hơn; các công ty vận tải đường biển cũng lo ngại về nguy cơ không tuyển dụng đủ thủy thủ.

Theo ông Simon Heaney, nhà phân tích tại công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry, năm 2022 có thể tiếp tục là năm gián đoạn (chuỗi cung ứng) nghiêm trọng nữa, vì vấn đề nguồn cung và chi phí của các chủ hàng. Ông Heaney dự báo tình trạng thiếu lao động và các biện pháp phòng dịch sẽ tiếp diễn trong 12 tháng tới.

Biến thể Omicron đã gây áp lực nặng nề lên chuỗi cung ứng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn. Các công ty cho biết những người lao động làm việc trong ngành logistics phải đối mặt với nhiều tuần dài bị cách ly và nguy cơ mắc Covid-19. Do đó, nhiều người đã tìm việc ở chỗ khác. Tại Romania, nhiều tài xế xe tải không chấp nhận chạy đường dài đến các nước khác ở châu Âu, bởi đã có những người phải chịu cảnh tắc đường hàng chục km và chờ đợi gần 18 giờ tại biên giới Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Alex Constantinescu, Giám đốc điều hành (CEO) hãng Alex International Transport 94 SRL chuyên chở dược phẩm và thực phẩm khắp châu Âu, tình hình còn nghiêm trọng hơn ở những nước có số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ngành xe tải vốn đã thiếu tài xế trước đại dịch nay đối diện với khủng hoảng còn trầm trọng hơn. Công ty này đã phải tăng lương cho nhân viên thêm 30% trong 3 năm qua.

Biến thể Omicron đã gây áp lực nặng nề lên chuỗi cung ứng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn

Biến thể Omicron đã gây áp lực nặng nề lên chuỗi cung ứng vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn

Tại Vương quốc Anh, dữ liệu từ Logistics UK cho thấy, số lượng tài xế xe chở hàng nặng đã giảm 23%, tương đương 72.000 người trong quý 2/2021 so với thời điểm năm 2019.

Ngành vận tải biển cũng đối mặt với thách thức tương tự. Các quy định về đổi thủy thủ đoàn khiến họ khó có thể về nhà đã được nới lỏng. Tỷ lệ thuyền viên ở lại tàu sau khi hết hạn hợp động là dưới 5% vào giữa tháng 11, giảm so với mức 9% vào giữa tháng 7. Nhưng hiện tại, các công ty thậm chí không thể kêu gọi những thủy thủ đã về nhà quay trở lại tàu.

Công ty điều hành tàu chở dầu có trụ sở tại Singapore, Western Shipping, cho biết khoảng 20% trong 1.000 thủy thủ của họ không muốn quay lại tàu. Khoảng 5% trong số 30.000 thủy thủ của công ty quản lý tàu Anglo-Eastern Univan cũng tỏ ra không hào hứng với hợp đồng mới. CEO Western Shipping, ông Belal Ahmed, cho biết công ty đang phải thu hút thêm thủy thủ từ các công ty khác và đề nghị mức tiền thưởng hấp dẫn hơn.

Tình hình có thể phức tạp hơn khi các chủ tàu yêu cầu thủy thủ phải tiêm vaccine. Với việc biến thể Omicron đòi hỏi liều tăng cường, tình trạng khan hiếm thủy thủ càng trầm trọng. Chưa đầy 30% thủy thủ đoàn từ Ấn Độ và Philippines - các nước nằm trong nhóm đầu cung ứng thủy thủ - được tiêm đầy đủ tính đến giữa tháng 11/2021.

CEO của công ty quản lý tàu Columbia Shipmanagement, ông Mark O’Neil, cho biết: Chúng tôi không thể bắt buộc các thủy thủ tiêm vaccine nhưng khách hàng nói rõ là chỉ chấp nhận thủy thủ đoàn đã được tiêm phòng đầy đủ. Duy trì hoạt động cho các tàu hàng khổng lồ đang là một thách thức lớn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
“Cơn ác mộng” của ngành vận tải thế giới kéo dài sang năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO