(Vietnam Logistics Review) Ngày 8.10.2016 đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa công ty TNHH Dioxit Titan và công ty Sunflower Overseas Private Limited (Ấn Độ) tại cụm công nghiệp Tân Phước, thị xã La Gi, Bình Thuận. Sự hợp tác đầu tư vào ngành vô cùng tiềm năng - khai thác chế biến Titan được dự báo sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho cả 2 công ty. Đồng thời là cơ hội để ngành khai thác, chế biến Titan ở tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Công ty TNHH Dioxit Titan hoạt động vào tháng 5.2016, đây là nhà máy đầu tiên có dây chuyền chế biến sâu Titan tại Bình Thuận với vốn đầu tư ban đầu trên 15 triệu USD. Công ty đã đạt chuẩn quốc gia về hệ thống tuần hoàn xử lý nước, xử lý khói bụi tại nơi sản xuất. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ nhập khẩu máy nghiền zircon siêu mịn để có thể chế biến quặng Titan thô thành zircon siêu mịn khô, ilmenite (từ 50-53%), Rutin (từ 82-93%), Mozite (từ 56-65%). Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ nhập khẩu máy nghiền zircon siêu mịn ướt, máy nấu xỉ Titan, máy luyện Titan hoàn nguyên, que hàn Titan cũng được sản xuất trong giai đoạn này. Giai đoạn 3 là giai đoạn hoàn thiện, khi nhà máy có thể sản xuất bột màu Titan.
Lãnh đạo Công ty TNHH Dioxit Titan và Công ty Sunflower Overseas Private Limited (Ấn Độ)
Tiềm năng khai thác chế biến Titan Việt Nam và Bình Thuận
Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên quặng Titan khá phong phú và được phân bố rộng rãi trên nhiều vùng lãnh thổ. Trữ lượng quặng Titan Việt Nam dự báo khoảng 34,5 triệu tấn. Trong đó, vùng ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận: Các mỏ sa khoáng Titan của vùng này tập trung chủ yếu ở ven bờ biển Ninh Thuận. Trong số hơn 10 mỏ và điểm quặng sa khoáng Titan ở vùng này thì có 3 mỏ đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng; đó là các mỏ sa khoáng Chùm Găng, Bàu Dòi và Gò Đình. Trữ lượng của 3 mỏ đã được thăm dò như sau: ilmenite khoảng 284,53 ngàn tấn; ziricon khoảng 60 ngàn tấn. Trên toàn vùng, tài nguyên dự báo của ilmenite là trên 4,3 triệu tấn, của ziricon là khoảng gần 900 ngàn tấn.
Titan được sử dụng trong các ngành quan trọng như hàng không, vũ trụ, tàu ngầm, hóa chất, dùng trong sản xuất giấy, sơn, nhựa, cao su, đồ gốm, dệt và mỹ phẩm… Công nghiệp khai thác quặng Titan trong mấy năm qua đã có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Thống kê cho thấy, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 10.000 tấn bột TiO2 với giá gần 3.000 USD/tấn từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Australia với tổng giá trị hơn 25 triệu USD. Còn nhu cầu của thế giới về TiO2 hiện tại là 4 triệu tấn/ năm, dự báo sẽ tăng lên 5 triệu tấn/năm trong những năm tới. Trong khi đó, nhu cầu về TiO2 của Việt Nam được dự báo vào khoảng 20.000 tấn/năm.
Cơ hội đầu tư và phát triển từ ngành khai thác chế biến Titan
Theo tính toán, nếu được chế biến sâu, Titan sẽ đem lại lợi ích về kinh tế rất to lớn. Cụ thể: sản xuất được zircon siêu mịn (từ zircon 65%) giá trị sản phẩm tăng 1,6 lần; sản xuất được pigment, giá trị sản phẩm tăng khoảng 10 lần; sản xuất được TiO2, giá trị sản phẩm tăng hàng chục lần.
Ông Bùi Văn Tuyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dioxit Titan cũng nêu rõ, thông qua ký kết đầu tư với Công ty Sunflower Overseas Private Limited sẽ nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, chế biến sâu Titan xuất khẩu, đem lại giá trị cao, không chỉ tăng lợi nhuận cho công ty mà khai thác có hiệu quả nguồn sa khoáng Titan dồi dào của Bình Thuận, tạo nhiều việc làm, đóng góp ngân sách cho địa phương. Đồng thời việc ký kết đầu tư thuận tiện cho liên doanh cải thiện, nâng cấp, hoàn thiện năng lực sản xuất nhà máy qua 3 giai đoạn: chế biến zicon siêu mịn khô, ướt, nấu xỉ Titan, luyện Titan hoàn nguyên, que hàn Titan, sản xuất bột màu Titan… phục vụ xuất khẩu thông qua đối tác với DN Ấn Độ, nâng cao lợi nhuận…
Đại diện Công ty Sunflower Overseas Private Limited cho biết: Ở Ấn Độ, công ty chúng tôi chuyên kinh doanh hàng dệt may, xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và lĩnh vực giáo dục. Những năm gần đây, nhận thấy Việt Nam là một trong những nước thuộc châu Á có nền kinh tế phát triển nhanh, điều đó có thể nhận thấy sự tăng trưởng GDP và FDI hàng năm của Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy trữ lượng quặng Titan ở Ninh Thuận - Bình Thuận lên tới hàng trăm triệu tấn, có tiềm năng để ngành khai thác, chế biến Titan phát triển mạnh. Nhận thấy tiềm năng khoáng sản Titan - hợp chất được xếp vào hàng kim loại chiến lược và nhu cầu sử dụng không ngừng tăng cao, và những lợi ích kinh tế mà Titan mang lại. Từ những thuận lợi này, chúng tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh khai thác chế biến Titan. Hy vọng, đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh, và đây sẽ là sự hợp tác đầu tư lâu dài, đôi bên cùng có lợi.
Bà Nguyễn Hoàng Thiên Nga - chủ tịch HĐQT/Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dioxit Titan Thực hiện Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu là xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng Titan với công nghệ hiện đại, kết hợp nội lực và hợp tác đầu tư trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất, Công ty TNHH Dioxit Titan đã triển khai chương trình kêu gọi đầu tư, đưa nhà máy phát triển đến đỉnh cao, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chúng tôi đã lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Sunflower Overseas Private Limited (Ấn Độ) có năng lực tài chính, đội ngũ khoa học kỹ thuật, và những chính sách phát triển phù hợp. Hi vọng sự đầu tư, hợp tác này sẽ đưa Công ty phát triển lên một bước mới, cải thiện, nâng cấp, hoàn thiện năng lực sản xuất của Công ty Dioxit Titan. |