COVID-19: Kinh tế thế giới và dự báo

Từ Tâm|10/09/2021 14:32

(VLR) Sự xuất hiện của biến thể Delta làm cho thế giới đối mặt với sự nguy hiểm mới không chỉ Đông Nam Á hiện đang là tâm dịch mà cả châu Âu và châu Mỹ COVID-19 đang “nóng” trở lại. Làn sóng dịch bệnh mới không chỉ kìm hãm khả năng sớm kiểm soát COVID-19 trên toàn cầu, mà còn cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới còn đang mong manh.

Sự xuất hiện của biến thể Delta làm cho thế giới đối mặt với sự nguy hiểm mới

Sự xuất hiện của biến thể Delta làm cho thế giới đối mặt với sự nguy hiểm mới

Thiệt hại khó đong đếm

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hơn 213 triệu người đã nhiễm COVID-19 và ít nhất 4,4 triệu người đã tử vong trong đại dịch. COVID-19 là tên “sát nhân” kinh hoàng.

Tư vấn rủi ro EIU thuộc tập đoàn The Economist (Vương quốc Anh) dự báo kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 2.300 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại tới 4.500 tỷ USD, nếu các quốc gia giàu không giúp đỡ các nước nghèo và đang phát triển trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các nước giàu đang vượt xa về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, tiến tới tiêm mũi tăng cường cho người dân và mở cửa trở lại nền kinh tế, trong khi các nước nghèo đang bị tụt lại sau đáng kể.

Theo Our World in Data, tính đến ngày 23/8, khoảng 5 tỷ liều vắc xin đã được phân phối trên toàn cầu, nhưng chỉ 15,02 triệu liều trong số này là cho các nước thu nhập thấp.

EIU cho rằng các chương trình tiêm chủng đang tiến triển với tốc độ chậm ở các nền kinh tế thu nhập thấp. EIU cho rằng những ước tính này là đáng chú ý, nhưng mới chỉ là một phần trong những cơ hội kinh tế đã bị bỏ lỡ, với những tác động của đại dịch đến giáo dục, y tế chưa được tính đến. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với mức tổn thất theo dự báo lên đến 1.700 tỷ USD, hay 1,3% GDP ước tính của khu vực. Các nước ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara sẽ thiệt hại ở mức 3% GDP, mức cao nhất tính theo tỷ lệ phần trăm.

Theo báo cáo của EIU, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin nổi lên do thiếu năng lực và nguyên liệu thô cho sản xuất trên toàn cầu, những khó khăn về logistics trong quá trình vận chuyển và lưu trữ vắc xin, và sự do dự do tâm lý hoài nghi về vắc xin. Nhiều nước đang phát triển cũng có thể không có đủ vắc xin để tiêm cho người dân và trông đợi vào tài trợ từ các nước giàu, nhưng các sáng kiến toàn cầu không hoàn toàn thành công trong việc cung cấp đủ vắc xin cho những người cần được tiêm.

Các nước nghèo có thể sẽ phục hồi từ đại dịch chậm hơn, đặc biệt là khi các hạn chế cần được thực hiện trở lại do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Du khách du lịch có thể sẽ tránh các nước mà nhiều người dân chưa tiêm chủng do lo ngại về an toàn. Tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, khi chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng do biến thể Delta và việc tiêm chủng là để giảm số ca nặng, nhập viện và tử vong.

Dự báo phục hồi

Hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu do tác động của đại dịch COVID-19, mặc dù một số ý kiến cho rằng, thiệt hại có thể lên tới 12.000 tỷ USD. Nếu đúng như vậy, những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra vượt xa tất cả những tổn thất ghi nhận trong cuộc đại suy thoái của thế kỷ trước.

Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022

Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022

Dù “con đường” hồi phục có thể gập ghềnh nhưng chắc chắn sẽ không cản trở quá trình “hồi sinh” trong năm tới. Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022.

Đại dịch sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề mà phải cần rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được, nhất là khi đại dịch gây ra sự gián đoạn sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là lý do tại sao quá trình phục hồi sẽ gặp một số trở ngại. Cần lưu ý, vắc xin có thể làm giảm số ca lây nhiễm, nhưng không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ, do có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 trong tương lai.

Các lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có khai thác khoáng sản, đã bị ngừng hoạt động gần như hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng chủ chốt, tác động xấu đến một số mặt hàng như chip bán dẫn, qua đó ảnh hưởng đến ngành xây dựng, chế tạo ô tô và các ngành công nghiệp khác. Đây chỉ là một phần của sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, vốn đã diễn ra ngay từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế và các nhà sản xuất đều nhận thấy khó có thể phục hồi trở lại chu kỳ sản xuất trước đại dịch và việc đó lại rất tốn kém. Những trở ngại như vậy sẽ tiếp tục tạo ra khoảng cách giữa cung và cầu.

Tuy nhiên, báo điện tử Gulf News (Mỹ) khẳng định, triển vọng phục hồi toàn cầu có vẻ rất hứa hẹn, mặc dù vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh khi biến thể Delta lan rộng. Trong đó, công nghiệp dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn so với lĩnh vực dịch vụ.

Các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) bị tấn công, thậm chí bị phá vỡ thì GVC khác sẽ được tái lập. Chắc chắn là như thế. Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, World Bank: “Đại dịch sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh. Ví dụ, việc phong tỏa người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến… và thúc đẩy thương mại điện tử”. Đúng như vậy, COVID-19 tạo ra “làn gió ngược” buộc con người thay đổi, “biến nguy thành cơ” trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm 2021, sau khi đã giảm 4,9% trong năm ngoái. Các nền kinh tế trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó của IMF. Kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi và hướng đến các mức trước đại dịch, mặc dù con đường này không hoàn toàn bằng phẳng.

Dù “con đường” hồi phục có thể gập ghềnh nhưng chắc chắn sẽ không cản trở quá trình “hồi sinh” trong năm tới. Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
COVID-19: Kinh tế thế giới và dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO