Đại lý hải quan - cầu nối trong chuỗi cung ứng Logistics

Bảo Hân (tổng hợp) |17/04/2023 07:08

Được ví như cầu nối giữa doanh nghiệp XNK và cơ quan Hải quan, đại lý làm thủ tục hải quan có vai trò quan trọng trong quy trình thủ tục đối với hàng hóa XNK, đặc biệt trong thông quan điện tử.

0709_4-img0249_baohaiquan.jpg
Địa điểm làm thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái

Dịch vụ đại lý hải quan

Đại lý làm thủ tục hải quan thay mặt chủ hàng là các doanh nghiệp (DN), thực hiện các hoạt động khai hải quan trên cơ sở ký kết hợp đồng với DN, cũng như giải quyết các khiếu nại xung quanh vấn đề thuế với cơ quan hải quan. Đại lý làm thủ tục hải quan được kỳ vọng trở thành “cánh tay nối dài” giúp cơ quan hải quan, DN xuất nhập khẩu (XNK) giảm tải áp lực công việc khi khối lượng hàng hóa và nhu cầu xuất nhập khẩu ngày một gia tăng.

Thống kê trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã thực hiện công nhận hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan cho 93 DN; cấp mã nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan cho 291 nhân viên của các doanh nghiệp, gia hạn mã số cho 270 nhân viên.

Tính đến tháng 6/2022, đã có trên 1.400 đại lý làm thủ tục hải quan với khoảng hơn 3.000 đại lý viên được cấp phép trong cả nước. Từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2015/TT-BTC, đại lý làm thủ tục hải quan đã được phép thay mặt chủ hàng (các nhà XNK) tham gia vào kiểm tra chuyên ngành và khai báo hải quan thay mặt chủ hàng thông qua việc ký hợp đồng đại lý làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, nhiều trong số các đại lý làm thủ tục hải quan chưa hoạt động đúng như tên gọi.

Với vai trò quan trọng như vậy nhưng thực tế cho thấy đại lý làm thủ tục hải quan hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Theo khảo sát của Tổng cục Hải quan mới đây nhất cho thấy, tỷ lệ tờ khai đại lý được ủy quyền nộp thuế thay hoàn toàn cho chủ hàng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 9,9%; mức độ tin cậy của đại lý chưa được đánh giá ở mức cao (chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%) (Tổng cục Hải quan, 2022).

Cần có cơ chế khuyến khích

Nhiều năm nay, cơ chế chính sách vẫn chưa phân định rõ ràng chế độ ưu đãi dành cho các DN là đại lý hải quan so với DN XNK thông thường. Do đó, các chủ hàng chưa nhận thức được sự khác biệt, hiệu quả, lợi ích, quyền ưu tiên khi thực hiện thủ tục hải quan qua các đại lý hải quan so với các cá nhân làm dịch vụ XNK trong đó có khâu khai báo hải quan.

25567-2853img0728-1667196394158451100887.jpg
Thực tế nhiều chủ hàng cũng không muốn ký hợp đồng đại lý hải quan với lý do thủ tục, giấy tờ phức tạp hơn

Thực tế nhiều chủ hàng cũng không muốn ký hợp đồng đại lý hải quan với lý do thủ tục, giấy tờ phức tạp hơn; phát sinh thêm chi phí liên quan đến việc ký kết hợp đồng như: phí chuyển tiền, thuế GTGT... Do đó, phần lớn chủ hàng lựa chọn thực hiện thủ tục XNK (bao gồm của thủ tục hải quan) theo hình thức ủy quyền cho các cá nhân hoạt động dịch vụ XNK trên các cửa khẩu.

Ngoài ra, năng lực của đa số các đại lý hải quan hiện nay chưa cao, không đồng đều, số lượng nhân viên có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan còn ít. Đội ngũ nhân viên đại lý hải quan chưa nắm bắt sâu các kiến thức về pháp luật hải quan, chính sách quản lý hàng hóa XNK, kê khai tính thuế, xác định trị giá tính thuế, áp mã số HS... để xảy ra sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan. Điều này khiến cho các DN có hàng hóa XNK, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ có tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng đại lý hải quan...

Một số địa phương đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tài chính để phát triển hoạt động đại lý hải quan và các dịch vụ có liên quan đến hoạt động XNK để tận dụng tối đa lợi thế kinh tế cửa khẩu. Có cơ chế hỗ trợ đào tạo, miễn giảm thuế và các nghĩa vụ tài chính khác để hỗ trợ và thu hút DN đầu tư phát triển hoạt động đại lý hải quan hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Muốn làm được điều đó, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi văn bản pháp quy liên quan đến ưu tiên phát triển đại lý hải quan. Về lâu dài, trong quá trình sửa đổi hệ thống pháp luật hải quan, Bộ Tài chính cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của người đi làm thủ tục hải quan trong một số khâu; quy định về trình độ hiểu biết pháp luật hải quan, các yêu cầu cần đạt được về nghiệp vụ khai hải quan... nhằm đảm bảo việc khai thác sử dụng hệ thống Hải quan số, Hải quan thông minh.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế đối với các hộ kinh doanh, cá nhân, tổ chức làm dịch vụ XNK theo quy định của pháp luật; có cơ chế hỗ trợ, đào tạo miễn phí nghiệp vụ hải quan, khai báo hải quan cho các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ XNK trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm nâng cao năng lực khai báo và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật hải quan khi thực hiện các dịch vụ liên quan hoạt động XNK...

Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo tới các cơ sở sản xuất, DN kinh doanh XNK về lợi ích, quyền ưu tiên khi thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan có uy tín, đủ năng lực, đã được Tổng cục Hải quan cấp phép nhằm tránh các rủi ro và vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình làm thủ tục XNK hàng hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đại lý hải quan - cầu nối trong chuỗi cung ứng Logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO