Đề xuất bình ổn giá bốc xếp để cứu cảng container

Báo giao thông|04/11/2015 13:48

(VLR) Biện pháp bình ổn giá bốc xếp container vừa được Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai tại các cảng container cả nước. Đề nghị này xuất phát từ thành công tại cảng Cái Mép - Thị Vải và từ kết quả nhiều cuộc khảo sát của các Bộ GTVT, Tài chính và Hiệp hội cảng biển VN.

Đề nghị áp dụng bình ổn giá tại tất cả cảng container

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ: “Tại hầu hết các cảng container, giá bốc xếp container (chiếm tới 80% doanh thu của các cảng) đang bị đẩy xuống dưới mức giá thành, thậm chí chỉ còn bằng nửa giá thành do cạnh tranh diễn ra khốc liệt”.

Cùng đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, khu vực cảng biển Hải Phòng gồm các cảng container: Hải Phòng, Đình Vũ, Đoạn Xá, TransVina, Cảng 128, Cảng 189, Cảng PTSC Đình Vũ, Greenport, Hải An, Nam Hải... cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh hạ giá để thu hút tàu vào làm hàng, khiến cho giá dịch vụ bốc dỡ container xuống thấp ở mức bất hợp lý. Thời gian gần đây, mức giá đã giảm từ 46 USD/container 20 feet và 68 USD/container 40 feet xuống còn 36,5 USD và 55 USD cho mỗi loại, trong khi hãng tàu nước ngoài thu của chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn duy trì ở mức 96 USD/ container 20 feet và 148 USD/container 40 feet.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Chiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết, do cạnh tranh khốc liệt nên giá bốc dỡ container khu vực cảng Hải Phòng rất thấp. Hiện, giá ký trung bình chỉ được 30 USD/container 20 feet, 50 USD/container 40 feet. Có thời kỳ và có hãng tàu, giá bốc dỡ còn thấp hơn.

“Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Đây là mức giá bốc dỡ rất thấp, khiến doanh nghiệp cảng khó có thể cân bằng thu chi. Những dự án đầu tư bốc dỡ container mấy năm qua cực kỳ khó khăn để có thể trả nợ gốc và lãi vay đầu tư. Doanh nghiệp không có tích lũy rất khó để tính toán đầu tư mới nâng cao năng lực sản xuất”, ông Thắng than.

Cũng theo ông Thắng, hiện Bộ Tài chính đang thực hiện bình ổn giá, áp dụng mức giá tối thiểu bốc dỡ container các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải. Giá bốc dỡ tối thiểu được quy định 46 USD/container 20 feet, 68 USD/container 40 feet và 75 USD/container trên 40 feet. “Mức giá bốc dỡ container tối thiểu phải đạt được như mức quy định của Bộ Tài chính, doanh nghiệp cảng mới có thể sống”, ông Thắng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, giá bốc xếp container xuống quá thấp đang đe dọa mất vốn nhà nước, mất nguồn thu ngân sách từ các cảng container được đầu tư rất lớn mấy năm gần đây.

“Thực tế cho thấy, mất cân đối, cung lớn hơn cầu đang phổ biến trong dịch vụ bốc dỡ container. Để thực hiện bình ổn giá, trước hết cần bổ sung dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Điều 15 Luật Giá”, Thứ trưởng Hiếu đề nghị.

Có thể thu thêm cả trăm triệu USD mỗi năm

Theo Thứ trưởng Hiếu, do tính chất đặc thù của dịch vụ bốc dỡ container, các biện pháp bình ổn giá sẽ được xem xét gồm: Điều hòa cung cầu; quy định giá tối thiểu; đăng ký giá cụ thể trong thời gian áp dụng biện pháp bình ổn giá; kiểm soát yếu tố hình thành giá.

Từ nay cho đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dịch vụ bốc dỡ container vào danh mục bình ổn giá, cho phép tiếp tục thực hiện biện pháp giá tối thiểu của Bộ Tài chính.

Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, với hơn 8 triệu TEU container xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong năm 2014, các hãng tàu thu từ chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 1 tỷ USD và chỉ trả 1/3 số tiền thu được cho các doanh nghiệp cảng Việt Nam. Nếu áp dụng bình ổn giá toàn quốc với mức giá tối thiểu như Cái Mép - Thị Vải, các doanh nghiệp khai thác cảng bốc dỡ container xuất nhập khẩu sẽ thu thêm được khoảng 100 triệu USD/năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bình ổn giá bốc xếp để cứu cảng container
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO