Vietnam Logistics Review)Sáng ngày 30.11.2017, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức diễn đàn “Đào tạo nguồn nhân lực logistics Việt Nam”.
Quang cảnh diễn đàn “Đào tạo nguồn nhân lực logistics Việt Nam” tại TP. HCM
Tham dự diễn đàn có Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT; đại diện các Bộ, Ngành địa phương; các tổ chức quốc tế; Hiệp hội VLA; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Cao đẳng, doanh nghiệp logistics Việt Nam. Đặc biệt có sự tham gia của Mr. Stanley Lim - Chủ tịch Hiệp hội logistics Singapore, Nguyên chủ tịch liên đoàn các hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA), Tổng thư ký liên đoàn các hiệp hội giao nhận ASEAN.
Nhiều vấn đề đã được thảo luận tại diễn đàn như: Vai trò của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) và Hiệp hội quốc gia về nâng cao tiêu chuẩn nghề nghiệp trong ngành logistics; Hoạt động đào tạo của FIATA và tầm nhìn trong tương lai; Đào tạo nguồn nhân lực logistics; Nhu cầu và yêu cầu về nguồn nhân lực logistics; Xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực logistics.
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng VLI chủ trì chủ đề thảo luận Xây dựng mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực logistics
Mr. Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Singapore, Tổng thư ký liên đoàn các hiệp hội giao nhận ASEAN
PGS.TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng trường ĐH GTVT TP.HCM chủ trì chủ đề thảo luận Đào tạo nguồn nhân lực logistics
Cũng tại diễn đàn này, các hợp tác giữa VLA với Trường Đại học Công nghệ GTVT, Đại học GTVT, Học viện Hàng không Việt Nam và các hợp tác giữa VLI với 11 Trường ĐH – CĐ và 18 Doanh nghiệp Hội viên VLA về hợp tác đào tạo, thực tập và tuyển dụng đã được ký kết.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghệ GTVT
Đồng thời VLI đã tổ chức khai giảng khóa học “Quản lý Giao nhận Vận tải Quốc tế” (FIATA Diploma in International Freight Management) cho các học viên tại diễn đàn này.
Cũng trong dịp này VLA cho biết đến nay cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chủ yếu là các hoạt động giao nhận, vận tải, xếp dỡ, kho bãi, đại lý, thủ tục Hải Quan,... và chủ yếu hoạt động tập trung ở TP. HCM và Hà Nội. Trung bình có khoảng 200 - 300 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động mới hoặc bổ sung dịch vụ logistics. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nguồn nhân lực có kỹ năng và chuyên môn cao là nhân tố vô cùng quan trọng để hoạt động logistics hiệu quả.
Theo thống kê của VLI thì hiện nay nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của ngành logistics chỉ đạt 40% trong đó lực lượng được đào tạo bài bản về logistics chiếm khoảng 5% - 7%. Trong khi đó, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu và rộng mà logistics liên quan đến hoạt động dịch chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến chi phí, sức cạnh tranh của doanh nghiệp với năng lực nguồn nhân lực như vậy sẽ là bài toán gây khó cho hội nhập nhất là khi chúng ta đang tiến đến phát triển Công nghiệp 4.0 theo xu thế thế giới và xuất khẩu nguồn nhân lực logistics xuyên biên giới theo hiệp định AEC 2015, CPTPP…