Chiều 18/3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp báo thông tin Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang dự kiến được tổ chức vào ngày 24/3 tại Hội trường Ấp Bắc (Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang), với dự tham dự của khoảng 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.
Hội nghị nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; kết hợp với xúc tiến mời gọi đầu tư, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh.
Tại Hội nghị này, tỉnh Tiền Giang sẽ lắng nghe các đóng góp thẳng thắn, những chia sẻ của chuyên gia và các nhà đầu tư trình bày ý kiến nêu bật tiềm năng, lợi thế của Tiền Giang; những gợi ý, kiến nghị để Tiền Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại Quy hoạch tỉnh.
Tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, Chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang sẽ giới thiệu 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án).
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030 Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị. Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa phát triển toàn diện được bảo tồn và phát huy; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.