Đô thị thông minh cần nhiều dịch vụ thông minh trên nền tảng công nghệ số

Hồng Út|22/10/2020 18:31

(VLR) Hôm nay (22/10), Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì, phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức thực hiện diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Sự kiện gắn với việc sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến

Diễn đàn gồm 5 hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận các lĩnh vực then chốt trong xây dựng đô thị thông minh, và phiên Diễn đàn cấp cao với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành và hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Và câu hỏi lớn được đặt ra là, làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biết giúp doanh nghiệp ứng phó tốt với dịch COVID-19

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biết giúp doanh nghiệp ứng phó tốt với dịch COVID-19

Tại các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu tham dự cùng cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu chính yếu để xây dựng và vận hành đô thị thông minh. Để có đô thị thông minh chúng ta cần hệ thống quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; cần phát triển hạ tầng số và công nghệ số làm nền tảng; cần có các dịch vụ thông minh; cần mang lưới giao thông thông minh…

Phát biểu trong phiên thảo thuận về chủ đề dịch vụ thông minh, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trong nhiều năm nay Tân Cảng Sài Gòn đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhằm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ thông minh nhằm đạt được hiệu quả cao nhất với chi phí hợp lý nhất. Ông Lộc cho biết, với dịch vụ khách hàng, TCSG thưc hiện cổng thông tin và giao dịch trực tuyến (Eport) với chức năng ban đầu là cung cấp thông tin container, tàu chuyến, danh sách container nhập/xuất, công cụ theo dõi tình hình giải phóng tàu. Đến nay, cổng ePort đã hoàn thiện thêm các chức năng khai báo và thanh toán trực tuyến qua mạng (khách hàng có thể sử dụng thẻ ATM cá nhân và tài khoản doanh nghiệp), Xuất hóa đơn điện tử; Tích hợp Chương trình khách hàng thân thiết. Ngoài ra, hệ thống giám sát hải quan tự động đã được triển khai từ tháng 10/2018 giúp thời gian làm thủ tục, thông quan tại cảng giảm đáng kể, giảm tối đa tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng. Cùng với đó, TCSG cũng cho triển khai giải pháp Lệnh Giao hàng điện tử - eD/O. eD/O đã góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục; tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp; chi phí chung cho xã hội; giảm tình trạng ùn tắc giao thông và là tiền đề xây dựng cảng xanh, hiện đại. Hiện nay, TCSG đang phát triển các đề án chuyển đổi số lớn như: Hệ sinh thái số eSNP; Ứng dụng IoT trong giám sát nhiệt độ container lạnh; Từng bước nghiên cứu triển khai tự động hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất của Cảng.

Cuộc CMCN 4.0 đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp cần cải cách mô hình cũ để phát triển và đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, tinh giảm thủ tục của mỗi người dân và của thị trường. Ông Trương Tấn Lộc cho rằng, để thúc đẩy phát triển mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam, cần đơn giản hóa, đồng bộ hóa và cần có sự chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các cơ quan, Bộ ngành; bên cạnh đó cần có cơ chế rõ ràng và có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan Nhà nước, để tránh tâm lý các doanh nghiệp, người dân làm sợ sai, sợ vi phạm pháp luật sẽ e dè thử nghiệm điều mới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đô thị thông minh cần nhiều dịch vụ thông minh trên nền tảng công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO