Hiệp định RCEP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia FTA đa phương và song phương với hầu hết thành viên RCEP. Riêng Trung Quốc, dù chưa ký kết FTA song phương, nhưng Việt Nam đang cùng thực thi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Do đó, hoạt động đầu tư, khai thác các thị trường trong khối RCEP không còn mới mẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đến nay Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương với các nền kinh tế lớn trong RCEP. Như vậy, khi RCEP được ký kết, các DN trong nước sẽ có thêm lựa chọn sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Với một nền kinh tế mà ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu như Việt Nam, RCEP sẽ giúp nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên, phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Trước đây, một số mặt hàng của Việt Nam sản xuất sử dụng nguyên liệu từ 1 trong 5 nước tham gia RCEP (ngoài ASEAN) thì không được hưởng ưu đãi. Nhưng với RCEP, vấn đề này sẽ giải quyết. Điểm mới trong RCEP và được đánh giá có lợi cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là xuất xứ cộng gộp toàn phần. Theo đó, bất cứ giá trị nào được tạo ra bởi thành viên của một nước RCEP đều được coi là giá trị tại nơi sản xuất cuối cùng.
Ông Phạm Thiết Hòa - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - cho biết, vấn đề nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa theo cam kết trong RCEP khá thuận lợi. Cụ thể, DN mua nguyên liệu trong nội khối để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn trong việc đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ so với yêu cầu từ những FTA khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. DN Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt logistics, viễn thông, môi trường kinh doanh minh bạch...
DN Việt Nam có thể kỳ vọng RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát hàng rào phi thuế quan...
Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, đây là cơ hội của DN từ các nước phát triển khi đầu tư sang nước đang phát triển như Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài với giá rẻ hơn.
“Chỉ khi nội lực DN tăng lên và có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc mở rộng kênh đầu tư, lúc đó, cơ hội mới được hiện thực hóa”- ông Viên chia sẻ.