Thời gian tới sẽ khuyến khích các DN TMĐT tiên phong tập trung phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0
Thời gian tới sẽ khuyến khích các DN TMĐT tiên phong tập trung phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0
Lấy nông thôn vây thành thị?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Sendo tiết lộ, trong những năm gần đây, Sendo luôn duy trì mức phát triển gấp 3 lần so với năm trước. Để hình dung rõ hơn về tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Sendo, lượng hóa bằng con số riêng doanh số của tháng 1/2019 bằng tổng doanh số trong cả năm 2016.
Năm nay, Sendo sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào A.I. (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu trải nghiệm mua sắm và tự động hóa các hoạt động vận hành nhằm mang lại sự khác biệt về dịch vụ. Song song với việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia về A.I., được biết Sendo đang kết hợp nghiên cứu với một số trường đại học, các nhà khoa học dữ liệu đầu ngành Việt Nam và Singapore để cùng phát triển đưa A.I. vào các bài toán vận hành trọng điểm như tìm kiếm, cá nhân hóa hiển thị, chăm sóc khách hàng, chống hàng giả, chống gian lận trong giao dịch, tối ưu toàn trình vận chuyển và bảo vệ an toàn dữ liệu khách hàng.
“Ưu điểm lớn của chúng tôi là đã xây dựng cơ sở hạ tầng với lượng dữ liệu lớn cũng như kinh nghiệm nhiều năm ứng dụng Big Data nên việc vận dụng A.I. mang lại giá trị cho khách hàng luôn được cộng đồng các nhà khoa học và đối tác hưởng ứng mạnh mẽ”, lãnh đạo Sendo thông tin và cho biết, mục tiêu của Sendo là đến cuối năm 2019 có 80% các hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như phòng chống gian lận, hàng giả sẽ được xử lý bằng thuật toán thông minh hơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh nhất là các ngành dịch vụ tại chỗ, thực phẩm tươi sống
Trước thực tế nhiều DN đã đầu tư với số tiền lớn vào lĩnh vực TMĐT nhưng chưa mang lại lợi nhuận, thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận âm, lãnh đạo Sendo cho biết, trung thành với chính sách không thu phí người bán, kể cả trong tương lai, doanh thu chủ yếu của Sendo đến từ quảng cáo. Ngoài ra, khi các “ông lớn” cạnh tranh khốc liệt để bảo vệ và giành chỗ đứng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Sài Gòn thì Sendo lại tập trung vào người dùng ở khu vực chưa phát triển với chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. “Cơ sở để Sendo bám vào là thay vì chạy theo các chương trình trợ giá, khuyến mãi, chúng tôi cố gắng tạo ra những giá trị thật đối với người dùng. Trong chặng đường phát triển, động cơ lớn nhất của Sendo không phải là nhóm khách hàng có thu nhập cao, mà luôn luôn là tập khách hàng đại diện cho đa số người Việt Nam”, lãnh đạo DN này khẳng định.
Tối ưu trải nghiệm người dùng
Không thể cạnh tranh “đường lớn”, một số DN Việt Nam cũng tìm các “đường ngách” riêng cho mình. Bởi, theo chuyên gia marketing Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink, TMĐT có ba con đường: Thứ nhất là đi thật rộng, chiếm lĩnh thị trường thật lớn, có càng nhiều sản phẩm càng tốt. Đó là con đường mà ba ông lớn đang “chơi” là Tiki, Shopee và Lazada. Họ cố gắng “phủ” càng rộng càng tốt nhưng tính chất quyết định là trường vốn. So sánh các trang như: Lazada, Shopee… thì thế yếu nhất của DN TMĐT Việt Nam là không có vốn nên rất khó để có thể đi theo. Con đường thứ hai là cạnh tranh về giá. Điều này có nghĩa, số lượng hàng hóa có thể không cần nhiều nhưng đã bán thì giá phải rẻ hơn, thấp hơn đối thủ. Cách này buộc DN phải có lợi thế ở sản phẩm hay hỗ trợ người bán để sản phẩm có giá thấp nhất. Hoặc DN phải tự mua về rồi kinh doanh. “Như Sendo hay Adayroi đang tập trung bán một số sản phẩm số lượng ít hơn nhưng giá thấp hơn. Adayroi tập trung phân phối một số sản phẩm của Vinmart chẳng hạn”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Con đường thứ ba là tối ưu được trải nghiệm người dùng. Ở đây có thể kể đến Tiki. Đơn vị này đang đẩy mạnh xu hướng làm cho người dùng cảm thấy thích dùng dịch vụ của mình hơn các đối thủ khác. Ví dụ, số lượng hàng hóa không nhiều nhưng lại giao nhanh hơn, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Đơn cử, ở đây người giao hàng là cố định. Khi người giao hàng và người nhận hàng biết nhau thì sẽ hiểu tâm lý và thói quen, thời gian, địa điểm... nhận hàng của khách. “Người Việt Nam thích app phải nhanh, mượt, thủ tục đỡ lằng nhằng, thanh toán được lưu sẵn, giao hàng quen rồi thì tin cậy, thời gian giao nhanh, đóng gói sạch đẹp, thậm chí lưu cả sinh nhật người thân để nhắc mua hàng… Tất cả những điều đó sau này sẽ tạo thói quen bất chấp giá rẻ. Đó chính là trải nghiệm”, ông Tuấn nói và khẳng định, đây chính là lợi thế của các DN TMĐT Việt so với DN nước ngoài.