Luật PPP đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6
Bỏ hợp đồng BT
Trước đây, tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, phương thức đầu tư PPP giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp gồm có 7 loại hợp đồng dự án. Tuy nhiên, Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2020 đã bãi bỏ loại hợp đồng BT. Như vậy, Luật PPP chỉ quy định 6 loại hợp đồng gồm hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), hợp đồng BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao), hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý).
Lý do bỏ hợp đồng BT là vì thời gian qua, dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt, có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai, tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Để giải quyết tồn tại, Quốc hội cũng quy định rõ việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Theo đó, kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực thi hành sẽ dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT; Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020; Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện. Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn NĐT trước ngày Luật PPP có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn NĐT, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Chỉ đầu tư ở những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu
Luật PPP đã rút gọn các lĩnh vực để tập trung đầu tư 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Luật PPP đã rút gọn các lĩnh vực để tập trung đầu tư 5 nhóm lĩnh vực quan trọng, thiết yếu
Về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực được quy định: Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, lưới điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải và hạ tầng công nghệ thông tin. Trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng và cũng không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo.
Ngoài ra, Luật PPP còn quy định chi tiết tư cách hợp lệ của NĐT. Theo đó, không phải NĐT nào cũng có thể tham gia đầu tư theo phương thức PPP, mà chỉ những NĐT đáp ứng được các điều kiện: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà NĐT đang hoạt động cấp; Hạch toán tài chính độc lập, bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn NĐT; Không đang trong quá trình giải thể, không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật; Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với NĐT thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu. NĐT thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham dự thầu dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo pháp luật về đầu tư.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Điều 84 Luật PPP ấn định phương án thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính (PATC) tại hợp đồng dự án PPP, NĐT, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế đó và doanh thu đạt ở mức 125% doanh thu trong PATC. Nhà nước chia sẻ với NĐT, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Đây được đánh giá là một cơ chế mới, đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện dự án PPP.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các luật khác. Trước kia, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía Nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn.