Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực và thế giới

Trần Trình Lãm|17/07/2023 09:17

Logistics là ngành dịch vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân; đóng vai trò kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

Xu thế tất yếu của thời đại ngày nay là toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Sự phát triển sôi động của thị trường toàn cầu đã làm cho giao thương giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới tăng một cách mạnh mẽ và đương nhiên sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ... Vai trò của logistics vì thế cũng ngày càng trở nên quan trọng. Logistics là công cụ hữu hiệu dùng để liên kết các hoạt động kinh tế quốc tế, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.

industrial-port-with-containers-compressed.jpeg

Logistics Việt chưa khai thác hết lợi thế

Theo đánh giá của Chính phủ, tại Nghị quyết 163/ NQ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2022, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân... Đặc biệt, có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành một điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 616,30 tỷ USD, tăng 14,06% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ, các hoạt động khác hỗ trợ cho ngành dịch vụ logistics cũng được quan tâm đúng mức. Số lượng các trường, viện, cơ sở tham gia đào tạo về logistics ngày càng tăng; chương trình đào tạo được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp; nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong quản lý kho bãi, phương tiện, hàng hóa giúp hoạt động dịch vụ logistics được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn.

Cơ chế đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước về logistics với doanh nghiệp cũng như công tác thông tin tuyên truyền nhằm phát triển và thu hút đầu tư vào dịch vụ logistics được tăng cường. Vai trò, tiếng nói của các Hiệp hội về logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics được phát huy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng theo Nghị quyết 163/NQ-CP, ngoài những kết quả đạt được, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết lợi thế địa - kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại, bất cập.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 diễn ra ngày 26/11/2022, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tồn tại, bất cập nhất hiện nay trong hoạt động dich vụ logistics nước ta là chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Đặc biệt sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực

airplane-hong-kong-international-airport-compressed.jpeg

Xác định Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Qua đó, các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan liên quan cần theo dõi sát tình hình quốc tế, khu vực, phân tích, đánh giá kịp thời những tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta; trên cơ sở đó, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chỉ đạo điều hành các hoạt động logistics phục vụ tốt hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong hoạt động logistics có nguy cơ tác động xấu đến kinh tế - xã hội thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ cho rằng, Logistics là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát một cách có hiệu quả quá trình lưu chuyển, dự trữ hàng hóa, dịch vụ và những thông tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên đến điểm tiêu dùng cuối cùng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng...

Điều 233, Luật Thương mại năm 2005 của nước ta cũng nêu “Dịch vụ Logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận của khách hàng...”.

Mục tiêu được xác định tại Nghị quyết 163/NQ-CP là phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; Phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực và thế giới.

Bài liên quan
  • Mạn đàm cuối tuần: Làm thế nào để khai thác hiệu quả mạng lưới logistics Việt Nam?
    Tiếp nối phiên giao lưu đầu tiên khá thành công của những người đang hành nghề kinh doanh dịch vụ logistics. Họ là những người có thâm niên trong hoạt động ngành, cả người mới vào nghề. Trẻ có, lớn tuổi có và đang hoạt động đa dạng trong chuỗi cung cấp dịch vụ logistics từ cảng biển, kho hàng, vận tải, giải pháp công nghệ, đào tạo nhân lực và... cả truyền thông báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng trong khu vực và thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO