Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau: Động lực kinh tế cho Đồng bằng sông Cửu Long

31/07/2017 09:13

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Việc Chính phủ hoạch định kế hoạch xây dựng hệ thống đường cao tốc đoạn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) – Cà Mau được xem là một chính sách rất thiết thực, tạo động lực phát triển kinh tế và vị thế cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, dựa trên những nghiên cứu về xây dựng đường cao tốc ở các nước phát triển, chúng tôi bước đầu đưa ra những ước tính về chi phí và một số giải pháp để huy động nguồn vốn.

(Vietnam Logistics Review) Việc Chính phủ hoạch định kế hoạch xây dựng hệ thống đường cao tốc đoạn Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) – Cà Mau được xem là một chính sách rất thiết thực, tạo động lực phát triển kinh tế và vị thế cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, dựa trên những nghiên cứu về xây dựng đường cao tốc ở các nước phát triển, chúng tôi bước đầu đưa ra những ước tính về chi phí và một số giải pháp để huy động nguồn vốn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 740km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, tại khu vực ĐBSCL chỉ mới có 45km (đoạn TP.HCM – Trung Lương). Điều này đã cho thấy những hạn chế trong kết nối lưu thông và hoạt động logistics của vùng Tây Nam Bộ, nơi hiện đang đóng góp hơn 40% giá trị sản xuất nông nghiệp và 20% GDP cho cả nước.

Cơ sở tính toán chi phí

Dựa trên kết quả tổng hợp dữ liệu của 3.320 dự án đường cao tốc ở 99 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, cùng với các thống kê toàn diện về việc thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại các quốc gia đang phát triển của Ngân hàng thế giới (WB) là tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu, tính toán cho việc làm đường tại Việt Nam.
Ngoài ra, bảng thống kê về chi phí một số dự án đường cao tốc ở quốc gia đang phát triển ở châu Á (bảng 2) cũng là cơ sở để tính toán về chi phí áp dụng cho Việt Nam. Bảng thống kê này là một phần của kết quả đánh giá bao gồm các thông tin về mức đầu tư, chiều dài đoạn cao tốc và mức chi phí 1km đường cao tốc của một số dự án được thực hiện ở các quốc gia đang phát triển như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Pakistan. Theo bảng 2 thì mức đầu tư trung bình của các dự án đường cao tốc ở mức 2,74 triệu USD/km tại Ấn Độ, 4,91 triệu USD/km tại Trung Quốc.

Mức đầu tư cần thiết cho cao tốc TP.HCM – Cà Mau

Từ các dữ liệu nêu trong bảng 1 và bảng 2, chúng tôi sử dụng chủ yếu là suất đầu tư từ nghiên cứu của WB để ước tính mức đầu tư cho 280km đường cao tốc đoạn TP.HCM – Cà Mau. Theo đó, tổng mức đầu tư cho đoạn cao tốc này nằm trong khoảng từ 14.000 tỷ đồng đến 29.000 tỷ đồng (tương đương với mức từ 614,8 triệu đến 1,277 tỷ USD). Ở đây, chúng tôi có sử dụng suất đầu tư cao nhất trong hơn 3000 dự án được khảo sát nên có thể đã bao gồm những chi phí phát sinh từ vấn đề địa chất, thủy văn hay quy hoạch… Do đó, mức chi phí tính toán là khả thi do số liệu thống kê của WB đã bao quát một số lượng khá lớn các dự án đường ở các quốc gia đang phát triển trên thế giới và đó là mức phù hợp với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Giải pháp huy động vốn đầu tư

Để có vốn xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Cà Mau thì nguồn vốn ngân sách sẽ không đủ và hiệu quả. Như vậy, cơ cấu vốn huy động sẽ là các tỷnh có đường cao tốc đi qua đóng góp 20%, vốn ngân sách Trung ương 20% và vốn xã hội hóa 60%. Muốn huy động vốn từ xã hội thì Nhà nước cần có các cơ chế và môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi thì mới thu hút các nhà đầu tư trong xã hội. Các bộ ngành cần tính toán để các nhà đầu tư có mức tỷ suất lợi nhuận phù hợp để tạo động lực đủ mạnh để các nhà đầu tư tích cực tham gia. Mặt khác, các cơ quan hoạch định thực thi đường cao tốc cần hoàn thiện và tích cực sử dụng phương thức đầu tư PPP để các bên tham gia đầu tư có sự chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thích hợp trong quá trình thực hiện các dự án thành phần. Ngoài ra, các thủ tục hành chính, thủ tục tham gia đầu tư, điều kiện và quy trình đầu tư cũng cần được cải tiến và thực hiện một cách nhanh chóng để các nhà đầu tư tận dụng được các chi phí cơ hội, giúp gia tăng hiệu quả thực hiện cho các nhà đầu tư.

Tóm lại, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM – Cà Mau là một tuyến đường rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tuyến đường này và thực hiện nhiều biện pháp huy động vốn thích hợp để nhanh chóng hình thành tuyến đường. Với mức chi phí đầu tư khoảng từ 14 nghìn tỷ đến 29 nghìn tỷ đồng để có 280km đường cao tốc là mức đầu tư phù hợp với điều kiện và nhu cầu của các tỷnh trong vùng, và cũng phù hợp với suất đầu tư 1km đường cao tốc của các quốc gia đang phát triển trên thế giới dựa trên nghiên cứu tổng hợp và khách quan của WB. Việc đầu tư với mức chi phí phù hợp sẽ làm cho các nhà đầu tư có mức lợi nhuận phù hợp, là động lực để các nhà đầu tư cạnh tranh bình đẳng và thúc đẩy việc huy động vốn đầu tư. Công tác này cần được gấp rút tiến hành triển khai để vùng Tây Nam Bộ nhanh chóng giải tỏa được phần nào sự quá tải của hạ tầng giao thông, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau: Động lực kinh tế cho Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO