Facebach và “Bởi gió xanh tiếng nhớ”

Ngô Đức Hành |05/12/2022 06:53

“Bởi gió xanh tiếng nhớ” vừa diễn ra tại không gian “Góc Hà Nội” là sự kiện văn hóa dành cho 5 thành viên của nhóm thơ FACEBACH. Đây là nhóm thơ thành lập từ năm 2015, do nhà thơ Trần Hưng làm chủ tịch.

Nhà văn, nhà lý luận phê bình Văn Chinh đến tham dự sự kiện ra mắt “Bởi gió xanh tiếng nhớ” cho 5 thành viên của nhóm thơ FACEBACH là một trong những người đến đúng giờ nhất, và sớm nhất. Ông cũng là người phát biểu đầu tiên khi được MC giới thiệu.

Đây là 5 tập thơ rất đáng đọc. Từ năm 60 tuổi, tôi bắt đầu thanh lọc kho sách cá nhân, chỉ giữ lại những cuốn sách quý nhất. Nhưng 5 tập thơ này, tôi sẽ xin chữ ký của các tác giả và giữ lại cho thế hệ con, cháu còn đọc”, ông nói.

Nhà thơ Vũ Trần Anh Thư – một thành viên của nhóm, giải thích: ““FACEBACH” là danh từ mới, ghép từ Facebook, còn “Bách” có nghĩa ban đầu là “Bách khoa” tên Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) mái trường Đại học của 3/6 thành viên đầu tiên; nhưng sau khi được mở rộng, nâng tầm thì “Bách” có nghĩa là “Bách tính”, một từ Hán – Việt, còn có nghĩa là “trăm họ” - nhiều người...”. “Bách” còn có nghĩa là “Bách nghệ”, các thành viên, bạn đọc yêu thơ của họ làm trăm nghề khác nhau". Giải thích của nhà thơ Anh Thư có thấy xuất xứ, ý tưởng cũng như tham vọng của nhóm.

6.jpg
PGS,TS. Bùi Minh Đức (thứ hai, phải sang) tặng hoa chúc mừng chương trình. Ảnh: Ngô Đức Hành

Khi tôi đến thì đã thấy, các nhà văn đàn anh như: nhà văn Văn Chinh có mặt; sau đó là các nhà văn, nhà thơ: PGS.TS. Ngô Văn Giá, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Văn Học, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Tiến Thanh, Đặng Thiên Sơn....Rất nhiều nghệ sỹ, họa sỹ và thầy, cô cũng như sinh viên Khoa Ngữ Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Tên chương trình “Bởi gió xanh tiếng nhớ” là tên ghép của 5 tập thơ của 5 tác giả được trình làng trong thời gian gần đây: “Bởi vì mây vẫn trắng”, “Ngõ gió”, “Hiển thị ngày xanh”, “Tiếng mưa”, “Những mùa nhớ” của các tác giả Nguyễn Đức Hạnh, Lưu Hồng Vân, Lê Kim Phượng, Vũ Trần Anh Thư và Nguyễn Duy Chung. Các nhà thơ này đều là thành viên của nhóm làm nhiều ngành nghề khác nhau như doanh nhân, kế toán, kỹ sư công nghệ, nhà báo. Ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ là yêu cái đẹp mà thơ là vẻ đẹp đích thực nhất.

FACEBACH là nhóm thơ đương đại đã và đang tiếp nối những hội nhóm thơ văn truyền thống để tiếp tục phát triển theo xu hướng mới, phong phú, đa dạng hơn. Trong vài năm gần đây nhóm thơ FACEBACH đang nổi lên như một hiện tượng của văn học thời đại 4.0, thời chuyển đổi số.

Nhóm thơ FACEBACH được thành lập vào tháng 1/2015 với 6 thành viên là cựu sinh viên của các trường Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Kiến trúc và Đại học Kinh tế Quốc dân... Đó là các anh Trần Hưng, Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Mạnh Hùng, Đỗ Huy Chí, Minh Trí, Hoàng Liên Sơn. Ngay từ thời sinh viên, các thành viên đã từng giành nhiều giải thưởng cao nhất các cuộc thi văn chương của “Tác phẩm tuổi xanh”, “Tầm nhìn thế kỷ”, “Thơ sinh viên Hà Nội”...

Là những thành viên rất tích cực của FACEBACH, 5 tác giả của sự kiện “Bởi gió xanh tiếng nhớ” đều có xuất phát điểm chung là những cây bút từ thời sinh viên, dồi dào năng lượng và cảm hứng sáng tác, nhiệt thành gắn kết của nhóm FACEBACH.

Nguyễn Đức Hạnh, “cây thơ huyền thoại” với nhiều bài thơ nổi tiếng thập niên 90 của thế kỷ trước, không chỉ tạo được tiếng vang với sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp mà còn gây “thương nhớ” cho rất nhiều độc giả nữ. Cùng với một số cuốn sách chuyên luận, tiểu luận, nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh đã xuất bản các tập thơ “Xin người lượng thứ” (1992), “Miền quê hương” (2006)”, “Bởi vì mây vẫn trắng” (2022).

Là người ham dịch chuyển, viết nhanh, viết khỏe, nhiều lúc viết như lên đồng, Lưu Hồng Vân - cựu sinh viên Đại học Bách khoa, sau hơn 30 năm gắn bó với thi ca đã có trong tay vốn liếng ngót ngàn bài thơ. Vài năm gần đây (2018, 2020, 2022), cứ cách một năm đều đặn, nhà thơ Lưu Hồng Vân lại chung thủy trình làng một tập thơ mới. Anh đã có “Rượu xưa”, “Tập tàng”, “Ngõ gió”.

Các cây bút Lê Kim Phượng (K33- Ngữ văn- Đại học Tổng hợp), Nguyễn Duy Chung (K 39 – Điện tử Viễn thông- Đại học Bách khoa), Vũ Trần Anh Thư (K28 - Kế toán - Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội) đều có quá trình sáng tác bền bỉ trong nhiều năm qua, có nhiều tác phẩm được đăng báo, tạp chí trong cả nước và ghi được dấu ấn trong lòng bạn yêu thơ.

Xuất bản tập thơ nào của mình, mỗi tác giả đều mong muốn góp tiếng nói tâm hồn, hòa thanh trong một giai điệu sâu lắng, ngọt ngào để khẳng định thương hiệu FACEBACH và ghi dấu ấn cá nhân trên hành trình dấn thân cùng thi ca. Gắn với mạng xã hội Facebook, tiếng thơ cùng với phong cách, giọng điệu riêng của các thành viên FACEBACH có sức lan tỏa rộng khắp.

5.jpg
Sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội biểu diễn ca khúc "Tháng mười mưa" phổ thơ Vũ Trần Anh Thư. Ảnh: Ngô Đức Hành

Dù không sống bằng nghề làm thơ nhưng nhóm luôn đặt thơ ca thành niềm đam mê và một sân chơi thú vị để chứng tỏ sự chuyên nghiệp trong cá tính sáng tạo, trong quản lý, phát triển thành viên và tổ chức các hoạt động kết nối, giao lưu...

Nhà thơ Trần Hưng – Chủ tịch FACEBACH chia sẻ: “Ngày ra mắt năm tập thơ, năm tác giả “Bởi gió xanh tiếng nhớ” lần này là tiếp nối chuỗi hoạt động thường thấy của nhóm, nhưng là tiếp nối một cách bùng nổ. Nếu việc tổ chức sự kiện văn học là bề nổi và hiệu ứng nghệ thuật của tác phẩm là chiều sâu thì trang viết của FACEBACH là không gian hai chiều đó''.

FACEBACH chủ trương chọn lọc về người viết và tác phẩm, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Viết như nhu cầu đời sống cá nhân và hơn nữa, như một tham dự văn chương đương đại".

Tuổi đời của nhóm còn rất trẻ, chưa đầy 10 tuổi, nhưng FACEBACH đã có 2 tập thơ chung được xuất bản. Đầu tiên là “Từ khóa” - tập thơ của những thành viên sáng lập FACEBACH. Gần đây là tác phẩm “Miền lục bát tìm nhau”. Rất nhiều thi phẩm của FACEBCH đã được phổ nhạc, Trong số hơn 20 ca khúc có những bài đã được các nhạc sĩ và ca sĩ tên tuổi thực hiện.

Tính đến nay, các thành viên Facebach đã xuất bản riêng gần 30 tập thơ, văn. Với việc xuất bản tập riêng, các tác giả không chỉ mong muốn lan tỏa tình yêu văn chương rộng hơn đến bạn viết, các độc giả và bạn hữu mà còn là sự ghi dấu thành quả sáng tác và mở hướng tìm tòi, có thêm động lực thể hiện phong cách riêng....

Mỗi khi có tập thơ mới, bằng rất nhiều hình thức sáng tạo và hấp dẫn FACEBACH đều tổ chức ra mắt sách, mở rộng kết nối để những người yêu thơ, giàu tâm hồn thơ hội ngộ, thăng hoa cảm xúc thơ ca. 

123.jpg
TS. Nguyễn Thị Tính đánh giá cao sự sáng tạo của các tác giả thơ. Ảnh: Ngô Đức Hành

TS. Nguyễn Thị Tính đã có bài phát biểu, nghiên cứu rất kỹ về tập thơ "Hiển thị ngày xanh" của nhà thơ Lê Kim Phượng. "Thơ của Lê Kim Phượng tạo nên một "chân dung thơ" không phải bình thường. Chị quyết liệt, cá tính ngay từ hình thức thơ, sử dụng động từ, tính từ, thi ảnh; làm cho người đọc yếu tim bị ám ảnh", chị nhận định. Nhà thơ Thy Nguyễn, tác giả của trường ca "Gửi" tạo dư luận trong những người yêu thơ cũng đánh giá cao sáng tạo của nhóm tác giả “Bởi gió xanh tiếng nhớ”.

Bên cạnh các hoạt động sáng tác diễn ra một cách sôi nổi; hoạt động in ấn, ra mắt tác phẩm mang tính chuyên nghiệp; FACEBACH còn có các hoạt động vì cộng đồng, với chương trình thiện nguyện mang tên “Những số hạng yêu thương” hướng tới trẻ em vùng cao bằng các hành động thiết thực như xây trường học, xây bếp, bổ sung bữa ăn trưa, trang bị áo ấm, hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn...

Nhà LLPB văn học, thầy giáo, PGS.TS. Ngô Văn Giá là người theo dõi từng bước đi của FACEBACH nhận xét: “Sáng tác thơ là việc làm của vẻ đẹp, là sự kháng cự của vẻ đẹp trước những bất ổn của đời sống. Tôi rất mừng trước những nỗ lực của Nhóm với thơ, cũng như với cuộc đời”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Facebach và “Bởi gió xanh tiếng nhớ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO