1. Cẩm Ly, con gái nuôi của tôi quê Hương Trạch, một xã của Hương Khê, Hà Tĩnh- nơi có bưởi Phúc Trạch. Phúc Trạch là tên một xã, đồng thời là tên thương hiệu bưởi nức tiếng cả nước. Hương Khê có 5 xã được coi là “rốn bưởi” Phúc Trạch, trong đó có Hương Trạch. Tôi đã về quê cháu mấy lần, lúc thì đúng mùa bưởi ra hoa, lúc thì đúng vụ bưởi thu hoạch. Cháu là sinh viên học văn khoa Đại học Vinh, rất tự hào về quê hương.
Mùa bưởi Phúc Trạch ra hoa, thơm lừng đến tận thung núi. “Những xác hoa bưởi, những đài hoa rụng tơi tả, tan trên đất. Tinh hoa bưởi thấm vào đất. Đất lưu giữ chút hương hoa bưởi còn sót lại. Chao ơi, những chú ong, chú bướm, có phải nhớ mùi hương ngọt ngào thanh sạch mà bò toài trên đất mót chút hương tàn sót lại”, nhà thơ Lê Văn Vỵ từng biết như thế về mùa hoa bưởi Phúc Trạch.
Từ thị trấn Can Lộc, quê tôi vọt qua Ngã ba Đồng Lộc, bám đường 15 lịch sử, qua Truông Bát, Ngã ba Phúc Đồng vào đường Hồ Chí Minh là đến Phúc Trạch. Muốn đến Hương Trạch phải qua vùng bưởi Phúc Trạch.
“Mời về Phúc Trạch quê em
Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ!”
Câu ca, chẳng biết tác giả khuyết danh nào sáng tác nhưng đó là tấm lòng hiếu khách một miền quê nổi tiếng. Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối một ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên Đoộng Trỉa là một ngọn khá cao của thuộc dãy Giăng Màn, bên kia là xã Hương Liên. Tôi yêu động vật nên nhìn trên bản đồ Phúc Trạch có hình tựa một chú thỏ, đầu gác lên Trường Sơn, sông Ngàn Sâu vắt qua mình.
Đia danh Phúc Trạch có từ trước năm 1945, nhưng với tư cách là đơn vị hành chính cấp xã thì phải đến năm 1972. Làng Phúc Trạch xưa là 5 xóm, thứ tự từ 1 đến 5 của xã Phúc Trạch bây giờ. Phía trên là làng Phúc Hội, nay thuộc xã Hương Trạch, quê của con gái tôi. Dân cư hai làng Phúc Trạch và Phúc Hội qua lại với nhau bằng cái cầu gỗ kiểu cầu khỉ như vẫn thấy ở miệt đồng bằng sông Cửu Long.
Phúc Trạch được tắm mát từ nguồn sinh thuỷ dồi dào của khe Bà Cam, khe này chảy quanh co trong dãy Giăng Màn nằm phía Tây làng Phúc Trạch, đó là nguồn nước chủ yếu cho những chân ruộng cấy lúa, trồng bưởi Sông Ngàn Sâu, con sông lớn nhất của Hương Khê, nổi tiếng Hà Tĩnh chảy qua làng Phúc Trạch về phía đông. Điều may mắn là Ngàn Sâu chảy sát chân núi Trà Sơn, cách khu dân cư chừng cây số, vì vậy mùa lũ lụt không nguy cho lắm.
Đặt chân lên Hương Khê tôi có chút tự hào từ trong lịch sử. Ngô Đăng Minh là một danh nhân lịch sử dưới thời Lê Trung Hưng, gốc họ Ngô Trảo Nha – tên cũ của quê tôi. Ông là một vị tướng cầm quân đi đánh Bồn Man ở biên cương, thắng lợi trở về ông được nhà vua ban chức vô số chức như Đặc Tiến Kim Tử, Vinh Lộc Đại Phu, Tư Lễ Giám, Tả Đề Điểm, Án Trung Hầu, Trụ Quốc Thượng Liên. Dẹp giặc biên cương xong, Ngô Đăng Minh chiêu mộ người dân về khai khẩn, lập làng. Cả xứ Thượng Bình gồm nhiều xã của Hương Khê phụng thờ, tôn ông làm Thành Hoàng làng, xây mộ, lập Đền thờ chính tại Trúc Lâm.
Đi trên con đường Hồ Chí Minh lịch sử qua đất Hương Khê, thời gian cứ lùi, lùi về thuở khai sơn lập địa. Hương Trạch là xã cuối cùng của Hương Khê, giáp Quảng Bình. Đến đất này, nhớ câu nói của vua Hàm Nghi, ông ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa của người ngoại quốc. Tại Gia Phố, Hương Khê có đền thờ vị vua yêu nước, người tuyên hịch Cần Vương.
Đất Hương Khê giấu trong mình bao huyền sử. Tôi cứ nghĩ, phải chăng vì theo vua tôi Hàm Nghi dấy nghĩa Cần Vương, nô tì, thê thiếp của Nhà vua theo cùng mà hậu duệ, gái trai Hương Khê đều đẹp. Mà bưởi Phúc Trạch nức tiếng, mà cam Khe Mây danh thơm. Ngoài hai sản vật “tiến vua” này, Hương Khê còn lặng lẽ ôm vào lòng, gìn giữ biết bao đặc sản.
2. Tôi bước vào nhà con gái. Bố đẻ Cẩm Ly sau vài câu chào hỏi khoe ngay: “Anh ra vườn mà xem, vườn bưởi vụ đầu của em hơn 2.500 quả”. Bố mẹ Cẩm Ly trồng bưởi đến mấy héc, “vườn mới” ông nói, chỉ là khu đất vốn trồng rau, nuôi gà sau nhà. Năm trước ông bà trồng thêm. Tôi theo ông ra vườn. Không thể nói như thế nào để biết giới hạn của sự mê ly. Từng cây bưởi sum suê quả, trĩu cành. Để bảo vệ chất lượng bưởi, bố Cẩm Ly mua bao giấy thân thiện môi trường, do một doanh nghiệp tận Hà Nội cung ứng, bọc từng quả. Nắng chiều loang loáng trong khu vườn, báo hiệu một mùa bưởi bội thu.
Bưởi Phúc Trạch, nức tiếng. Có năm, thương lái đặt mua ngay từ khi quả xanh chắc chắn đậu. Có năm, bưởi xịn Phúc Trạch ngoài thị trường lên đến 120.000 đ/quả. Thập khách dễ thấy “Bưởi Phúc Trạch” bán nhiều nơi nhưng nhiều khi đó là giống bưởi lấy từ Hương Khê trồng ở các vùng khác, ở khắp Xứ Nghệ. Mặc dù còn nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng, giá trị đồng đều ngay trong một vườn bưởi, nhưng có nhiều việc để mừng cho thương hiệu bưởi Phúc Trạch. Điều mừng nhất có lẽ là từ đầu tháng 8 năm ngoái, việc được EU bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch là thành công bước đầu của Hà Tĩnh nói chung và Hương Khê nói riêng. Đây là cơ hội lớn để một sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực. Cả huyện Hương Khê nay có gần 3 ngàn héc ta, giá trị thương phẩm năm 2021 đạt gần 800 tỷ đồng là ghê lắm. Năm ấy dịch Covid-19 còn chưa qua. Năm nay sẽ khác...
Thời buổi này, ăn ngon đã đành nhưng an toàn được các “thượng đế” đặt lên hàng đầu. Hương Khê “đi tắt, đón đầu” chuyện này không muộn. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 70 tổ trồng bưởi VietGAP với diện tích hơn 500 ha (đã được công nhận) được cấp tem nhãn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bưởi Phúc Trạch tép màu hồng trắng, vị ngọt thanh, khác các thương hiệu bưởi khác. Đặt nhúm tép bưởi lên cánh lưỡi vị ngọt nhẹ lan tỏa vào cuống họng, ngấm vào chân răng, xông lên hệ thần kinh mang đến một cảm giác thật khác biệt. Nó không khác gì nụ hôn đầu đời của tình yêu đôi lứa, nụ hôn thấm đẫm tình yêu, khát khao dâng hiến, chứ không phải nụ hôn tương tự.
Mỗi năm khi những làn gió heo may mơn man thổi, mang theo cái se lạnh của mùa thu cũng là lúc vào bưởi Phúc Trạch. Khi tôi đang viết những dòng tản mạn về giống bưởi Phúc Trạch được xếp hạng một trong bảy loài quả quý hiếm nhất Việt Nam thì Cẩm Ly nhắc tin: “Còn tháng nữa là bưởi chín đó ba”. Có nghĩa là cuối tháng tám tới. Tháng tám đã thu sang.
Vì sao bưởi Phúc Trạch thành “quyền năng”, mê hoặc. Hương Khê có lẽ là vùng khí hậu nóng nhất của Hà Tĩnh. Dòng Ngàn Sâu ngàn năm nay bồi đắp phù sa cổ, gốc phốt phát đặc trưng, vùng tiểu khí hậu này chênh lệch biên độ nhiệt ngày đêm rõ nét…Tất cả cộng hưởng, hòa quyện, tạo nên hương vị riêng cho bưởi Phúc Trạch.
Dư địa và dư lòng. Đứng trên mảnh vườn phía sau của nhà bố mẹ Cẩm Ly, tôi nghe rõ ngàn năm năng tỏa, nghe mạch nguồn thì thào kể chuyện. Ờ, ngày xưa trên con đường lánh nạn của Cần Vương, đoàn tùy tùng về Hương Khê tìm bưởi cứu vua tôi, những ngày giữ gìn lòng yêu nước, thủy chung với trăm họ. Đất không phụ người trên mỗi bước gian truân.
“Về Hương Khê một lần đi em / Em sẽ hiểu nơi tình sâu, nghĩa nặng / Hiểu vì sao suốt đời hoa bưởi trắng / Dẫu bão bùng vẫn giữ sắc trinh nguyên”, (thơ Trần Xuân Linh). Về Hương Khê để ngộ “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”, (thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Về Hương Khê sẽ vỡ hương vị bưởi Phúc Trạch thay lòng người, nói điều thơm thảo./.