Formosa trong “kỷ nguyên logistics”

19/08/2016 09:21

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Formosa cho thấy năng lực quản lý về môi trường tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong “kỷ nguyên logistics”. Hơn bao giờ hết, đất nước đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách, đủ mạnh để bảo vệ môi trường.

(Vietnam Logistics Review) Formosa cho thấy năng lực quản lý về môi trường tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong “kỷ nguyên logistics”. Hơn bao giờ hết, đất nước đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách, đủ mạnh để bảo vệ môi trường.

Tồn tại hay không tồn tại?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội khóa 14 bầu tái đắc cử người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 trong phiên làm việc chiều 26.7.2016. Trong Lễ Tuyên thệ, trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đề cập đến sự kiện Formosa và khẳng định đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật… Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh. Có lẽ trong các nội dung Thủ tướng tuyên thệ, đây là điều người dân quan tâm nhất, nếu không muốn nói là đặc biệt quan tâm.

Đất nước đang cần huy động đầu tư để phát triển. Ta cần huy động vốn của FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá, điều này quan chức nào cũng nói thuộc như “cháo chảy” nhưng tại sao? Câu trả lời có lẽ không khó lắm, khó nhất là ta không xác định nổi “trách nhiệm”.

“Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương. Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, liên quan đến kinh tế biển, du lịch, đất nước, nền kinh tế quốc gia. Do đó, khi giải quyết vấn đề của Formosa phải xem đây là dự án quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh giải quyết mà phải là một đơn vị, là một ủy ban quốc gia”, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM bình luận. Đối với các dự án đầu tư “tầm cỡ”, “quy mô” như Formosa Hà Tĩnh có nên “khoán trắng” cho địa phương ký quyết định đầu tư không? Rõ ràng là không thể!

Do đó, nên xem xét thận trọng và có cơ quan để khẳng định rằng Formosa có nên tồn tại nữa hay không ở vùng Hà Tĩnh, điều này nhiều nhà khoa học, nhiều tiếng nói có trách nhiệm với đất nước và nhân dân đã bày tỏ.

Quản lý môi trường trong kỷ nguyên logistics

Tồn tại hay không tồn tại của Formosa đang đặt ra nhiều vấn đề. Với giả thuyết nếu Formosa không tồn tại thì giải quyết hậu quả đầu tư như thế nào? Chính phủ nên minh bạch khi giải quyết các vấn đề về môi trường, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà tất cả DN hoạt động trên đất nước Việt Nam. Để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng tới môi trường Việt Nam, những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả ngừng dự án không lớn bằng hậu quả để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường, đây là một điều đáng tiếc trong “kỷ nguyên logistics”.

Formosa cho thấy năng lực quản lý về môi trường ở nước ta còn chưa đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong “kỷ nguyên logistics”. Chúng ta đã có Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21.01.2014 của Thủ tướng Chính phủ), song từ “thảm họa Formosa” cho thấy dường như chiến lược này cần được điều chỉnh và sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hướng tới sự bền vững trong điều kiện gia tăng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý môi trường là nâng cao tính hiệu quả của công cụ quản lý, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng công tác này nhằm giải quyết triệt để những thách thức trong hoạt động bảo vệ môi trường và gia tăng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Các giải pháp nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm môi trường cần phải được thực hiện một cách đồng bộ với lộ trình phù hợp.

Cần lưu ý rằng, Nhật Bản đi trước chúng ta, họ là nước công nghiệp phát triển còn Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa. Song kinh nghiệm của họ trong vấn đề này mang tính tiệm tiến, kế thừa và vượt cả yếu tố thời gian bởi vậy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác có thể vận dụng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có một quyết tâm chính trị cao hơn từ các nhà hoạch định chính sách, kết hợp với chương trình truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người sống ở đô thị về công tác bảo vệ môi trường.

Hơn bao giờ hết “kỷ nguyên logistics” đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách, đủ mạnh để bảo vệ môi trường.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Formosa trong “kỷ nguyên logistics”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO