Dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ bằng xe tải là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hiện nay. Cho đến thời điểm này, dịch vụ vận tải đường bộ vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ trọng trên 70% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước (theo số liệu của Tổng Cục Đường bộ VN). Đảm nhận vai trò to lớn này là cộng đồng các DN vận tải hàng hóa đường bộ, đặc biệt là các DN tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM…
THỰC TRẠNG
Thời gian gần đây đang nổi lên tình trạng mất an toàn về hàng hóa trên đường vận chuyển bằng ô tô. Nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận lái xe, phụ xe có các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: trộm cắp hàng hóa trên đường vận chuyển, đặc biệt là các loại hàng hóa đóng trong container phục vụ cho xuất nhập khẩu; rút ruột xăng dầu của DN; đổi vỏ lốp xe, mâm xe; điều khiển xe trong tình trạng đã sử dụng rượu bia hoặc các chất ma túy; sử dụng GPLX giả; hồ sơ giả để xin việc làm... làm mất an toàn giao thông. Thực trạng này đang là nỗi nhức nhối của nhiều DN vận tải. Tình trạng này kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp không những ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ của loại hình vận tải hàng hóa đường bộ, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho các chủ hàng, các DN vận tải và tác động xấu đến môi trường đầu tư trong nước.
Vì vậy, làm thế nào để bảo đảm an toàn hàng hóa và phương tiện trong quá trình vận chuyển trước những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lái xe, phụ xe hiện nay? Để giải quyết vấn đề này một cách căn bản, Nhà nước cần phải kết hợp tổng thể các giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Trong đó có cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX; trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật và trách nhiệm của các hiệp hội, DN trực tiếp sử dụng lao động.
GIẢI PHÁP
Bộ GTVT cần phải hoàn thiện chương trình giáo dục, đào tạo và sát hạch cấp GPLX tại các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho người học theo hướng thực chất hơn. Hiện nay, xuất phát từ nhiều yếu tố như trang thiết bị để đào tạo, sát hạch của nhiều Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe còn thiếu và lạc hậu; Thời gian đào tạo ngắn, còn nặng về đào tạo lý thuyết nhiều hơn rèn luyện kỹ năng thực hành và xử lý tình huống, nhất là đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo chở container. Mặt khác, trước tình hình tai nạn giao thông tăng do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người điều kiển xe cơ giới kém, xem nhẹ tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông nhưng các trung tâm này vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục ý thức chấp hành quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho lái xe; Do vậy, một số người mặc dù đã được cấp
GPLX nhưng vẫn không xem lái xe là một nghề nghiệp thực sự để gắn bó lâu dài. Vì thế, một bộ phận lái xe vận tải đã nảy sinh tâm lý xem thường nghề lái xe vận tải, coi đó như là một công việc mang tính chất tạm thời nên dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật khi được DN giao cho điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa có giá trị lớn.
Để hỗ trợ các DN vận tải hàng hóa có thêm thông tin về lái xe, phụ xe, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM đã hoàn thiện phần mềm quản lý thông tin tài xế. Theo đó, những tài xế vi phạm đã bị chủ DN có quyết định sa thải theo quy định sẽ được đăng tải lên website của Hiệp hội tại địa chỉ: www.vantaihcm.com. Website này nhằm hạn chế tình trạng một lái xe, phụ xe vi phạm đã bị sa thải ở DN này lại dễ dàng đi qua DN khác xin việc, trong khi ý thức đạo đức chưa chuyển biến tốt hơn. Thông qua chương trình này Hiệp hội mong muốn góp phần thúc đẩy sự chuyển biến về ý thức chấp hành kỷ luật lao động đối với một bộ phận lái xe, phụ xe theo hướng tốt đẹp hơn. Từng bước nâng cao hình ảnh nghề nghiệp lái xe đối với xã hội và hạn chế sự vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế công ty trong đội ngũ lái xe hiện nay. |
Mặt khác, Bộ GTVT và Bộ Công an cần có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng nhiều đối tượng tham gia làm hồ sơ giả, GPLX giả đang tràn lan như hiện nay để hỗ trợ DN vận tải. Bản thân các DN vận tải hàng hóa không đủ khả năng chuyên môn để thẩm định hồ sơ sát hạch lái xe hoặc GPLX là thật hay giả. Đấu tranh ngăn chặn được loại tội phạm này sẽ hạn chế được tình trạng một số đối tượng phạm tội cố tình làm hồ sơ giả, GPLX giả cố tình xin vào DN làm việc để lợi dụng thực hiện hành vi trộm cắp hàng hóa của DN hoặc DN tuyển dụng phải những lái xe không có đủ kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp do hành vi mua hồ sơ giả, GPLX giả gây ra .
Bên cạnh đó, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ để hạn chế thủ tục xin cấp lại bộ hồ sơ gốc lái xe quá dễ dàng như hiện nay. Người lái xe chỉ cần làm đơn cớ mất có xác nhận của cơ quan công an là được các Sở GTVT các địa phương cho phép cấp lại hồ sơ gốc. Trong khi thực chất DN vận tải đang giữ bộ hồ sơ gốc để “bảo đảm làm tin” trong quá trình lái xe lao động tại công ty. Trước đây, biện pháp giữ hồ sơ gốc của lái xe để bảo đảm cho lái xe trong quá trình làm việc tại DN tương đối hiệu quả, hạn chế được tình trạng vi phạm của tài xế. Nhưng hiện nay do việc cấp lại bộ hồ sơ gốc quá dễ dàng nên nhiều lái xe có hành vi vi phạm bị DN xử lý kỷ luật, nên chấp nhận bỏ luôn bộ hồ sơ gốc tại công ty để xin cấp lại hồ sơ gốc để tiếp tục đi xin việc tại DN khác một cách dễ dàng. Vì thế, Bộ GTVT, Bộ Công an và sở GTVT các tỉnh, thành phố cần phải hoàn thiện hệ thống dữ liệu liên quan đến người lái xe và đưa lên các website trên mạng internet để hỗ trợ cho DN khi cần xác minh thông tin liên quan đến hồ sơ gốc và GPLX của tài xế góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy quy chế DN của lái xe xẩy ra nhiều như trong thời gian qua.
Xuất phát tính chất đặc thù của nghề lái xe vận tải, nhìn chung hiện nay phần lớn người lao động làm công việc lái xe, phụ xe đang có mặt bằng trình độ học vấn còn thấp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa cao. Mặt khác, tình trạng khan hiếm lái xe tải hạng nặng, đặc biệt là người có GPLX hạng FC điều khiển xe đầu kéo chở container trong thời gian qua do điều kiện chuyển đổi giấy phép ngày càng khó khăn hơn, nên đã nảy sinh tâm lý “bất cần hoặc yêu sách” nhằm gây sức ép đối với các DN vận tải để đòi quyền lợi trong một bộ phận người lái xe. Nếu không đạt được như ý muốn hoặc có thể chỉ vì một lý do không vừa ý cá nhân là các lái xe này sẵn sàng tự ý bỏ việc hoặc có các hành vi vi phạm để gây khó khăn, thiệt hại cho DN vận tải. Do vậy, việc xây dựng chế độ lương, thưởng, phụ cấp, thời gian nghỉ ngơi phù hợp với đặc thù nghề nghiệp lái xe là trách nhiệm của các DN vận tải để thu hút và khuyến khích tinh thần hăng say làm việc của người lao động. Tuy nhiên cần xử lý nghiêm khắc đối với những người lái xe có thái độ bất cần, thiếu ý thức, đạo đức nghề nghiệp để phòng tránh các trường hợp có hành vi tiêu cực gây thiệt hại đối với công ty.
Mặc dù pháp luật đã quy định đầy đủ các chế tài xử phạt đối với các hành vi trộm cắp hàng hóa, kể cả xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, do quy trình xử lý của cơ quan công an đối với các hành vi lái xe trộm cắp hàng hóa, bán dầu, đổi vỏ lốp xe, sử dụng ma túy... còn quá nhiêu khê, phiền hà và phức tạp nên DN thường có tâm lý “xử lý nội bộ” là chủ yếu đối với các lỗi vi phạm gây thiệt hại không lớn. Quyết định cho lái xe nghỉ việc chứ không trình báo cơ quan công an trừ những vụ việc lái xe vi phạm gây thiệt hại lớn, nghiêm trọng. Mặt khác, do thực tế hiện nay hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan thực thi pháp luật còn yếu hoặc chưa đồng bộ, nên cơ quan xử lý sau chưa tổng hợp được các lần vi phạm hành chính trước đó của lái xe để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Do vậy, hoàn thiện việc kết nối thông tin trực tuyến qua mạng internet giữa các cơ quan nhà nước có chức năng xử lý vi phạm hành chính gắn liền với trách nhiệm của DN trong việc chủ động, mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm của lái xe sẽ góp phần tích cực phòng ngừa chung đối với hành vi vi phạm pháp luật trong đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa hiện nay.
Một vấn đề nữa không kém phần nhức nhối hiện nay là hiện tượng hàng quán mọc ra như nấm dọc các tuyến đường vận tải quan trọng để nhằm mục đích mua bán hàng gian, tiêu thụ hàng do phạm tội mà có, mua bán không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật…Vì vậy, chính quyền cơ sở các cấp phải cương quyết kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để dẹp bỏ môi trường tiêu thụ hàng gian cho loại tội phạm trộm cắp hàng hóa, xăng dầu trên đường vận chuyển gây ra.