Giải pháp khắc phục ùn tắc cảng

18/10/2014 09:09

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Trong những năm gần đây, hàng loạt các cảng ở VN thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc, dẫn đến hậu quả là hàng hóa lưu thông chậm, các DN kinh doanh XNK bị giảm lợi nhuận…

(Vietnam Logistics Review)Trong những năm gần đây, hàng loạt các cảng ở VN thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc, dẫn đến hậu quả là hàng hóa lưu thông chậm, các DN kinh doanh XNK bị giảm lợi nhuận… Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra ùn tắc cảng, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả.

VN đã gia nhập WTO, đã và đang tiến hành mở rộng buôn bán với các nước. Vì thế, số lượng hàng hóa XNK ra vào VN ngày càng nhiều, và hầu hết hàng hóa XNK được vận chuyển chủ yếu bằng đuờng biển (khoảng 80% lượng hàng hóa này được chuyên chở bằng đường biển) đặc biệt là khu vực phía Nam, mà vùng trọng điểm chính là TP.HCM. Do yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt nên các DN phải luôn cố gắng để giao, nhận hàng hóa càng nhanh càng tốt.

Vận tải đường biển được xem là phương thức đóng vai trò quan trọng nhất trong vận tải quốc tế ngày nay. Và, hiệu quả quả buôn bán quốc tế cao hay thấp là tuỳ thuộc vào hiệu quả của hoạt động vận tải và hoạt động này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự ảnh hưởng của các quy định về xếp dỡ, giao nhận hàng hóa XNK tại các cảng. Tuy nhiên, trong những năm đây, hàng loạt các cảng ở VN thường xuyên lâm vào tình trạng ùn tắc, dẫn đến hậu quả là hàng hóa lưu thông chậm, các DN kinh doanh XNK bị giảm lợi nhuận… Vậy, đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này một cách hiệu quả?

Vì sao ùn tắc?

Một trong những vấn đề là các cảng của VN nói chung và TP.HCM nói riêng thường thiếu tầm nhìn xa và không ứng biến linh hoạt như các cảng nước ngoài. Mặt khác, các cảng của VN còn yếu kém vì từ trước đến nay, tất cả các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng cao cơ sở hạ tầng cảng đều do nội lực của các cảng hoặc nhờ vào sự hỗ trợ của Ngân sách nhà nước. Vì thế, hệ thống cảng VN cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong kế hoạch đầu tư cũng như trong hoạch định kế hoạch và mục tiêu phát triển.

Việc ùn tắc cảng sẽ làm ảnh hưởng đến hầu hết các bên tham gia hoạt động XNK, cụ thể như sau:

- Không có bến cảng cho tàu cập cảng, kết quả là thời gian trung bình bị trễ của tàu là 1-2 ngày. Cá biệt một số tàu có thời gian khởi hành trễ đến 7-10 ngày theo lịch.

- Năng suất xếp dỡ trung bình mỗi ngày chỉ còn 20 container/cần cẩu/giờ vì các bãi container không có khả năng nhận thêm container. Các xe chở container không vào được cảng mà phải đậu bên ngoài các con đường dẫn vào cảng làm cho tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên. Hơn nữa, việc xe chở
container hàng không vào hạ bãi còn dẫn đến hiện tượng rớt
container, hàng không xuất được, người xuất khẩu không hoàn thành được nghĩa vụ thực hiện hợp đồng ngoại thương đúng thời, nên dẫn đến hậu quả là phải bồi thường hợp đồng hoặc giảm giá bắt buộc cho khách hàng. Điều này cũng góp phần làm giảm uy tín của các DN.

- Hàng hóa xuất khẩu được ưu tiên sắp xếp trước dẫn đến sự chậm trễ trong làm hàng nhập khẩu, do đó mất ít nhất 4 ngày để lấy đựơc 1
container nhập khẩu ra khỏi cảng, làm chậm trễ quá trình sản xuất vì thiếu nguyên vật liệu.

- Một khi cảng bị tắt nghẽn thì sẽ dẫn đến gia tăng hàng loạt các chi phí như chi phí lưu tàu, chi phí thời gian…, và các chi phí này sẽ đổ lên đầu các DN kinh doanh XNK, vì tàu không cập cảng bốc hàng được sẽ phải neo đậu để chờ hoặc chủ hàng phải thuê sà lan chở hàng vào cảng, làm giá hàng hóa có thể đội lên, như vậy sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận của DN.

- Ùn tắc cảng thường xuyên và kéo dài sẽ làm giảm tính cạnh
tranh của cảng trong dịch vụ trung chuyển, mà dịch vụ này hàng năm mang lại một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Giải pháp

Từ trước đến nay, hầu hết các cảng của VN nói chung và của TP.HCM nói riêng được bố trí theo dạng là một cảng có thể có nhiều bến giành khai thác nhiều loại hàng khác nhau như bến làm xe hơi, bến làm hàng rời, bến làm hàng
container. Tuy nhiên, một cảng hỗn hợp như thế sẽ không thể chuyên môn hóa vào bất cứ loại hàng nào kết hợp với trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng còn hạn chế sẽ dẫn đến việc không thể đạt được năng lực bốc dỡ tối đa. Ngày nay, do khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container ngày cảng nhiều, do đó, việc tập trung xây dựng những cảng container hiện đại là một nhu cầu tất yếu đối với tất cả các nước trên thế giới, và VN cũng không ngoại lệ.

Một trong những giải pháp quan trọng trong việc khắc phục hiện tượng ùn tắc cảng là TP.HCM nên đầu tư xây dựng các bến container riêng (Dedicated Contaier Terminal – DCT). Tàu sẽ được ưu tiên bố trí vào một số bến riêng tại bất cứ thời điểm cập cảng nào. Với việc chấp nhận cho xây dựng các bến DCT thì cảng có thể tranh thủ được nguồn vốn từ các hãng tàu, quan trọng hơn là đảm bảo được lượng hàng thông qua cảng lớn nhưng giảm được nguy cơ tắc nghẽn mà vẫn đảm bảo sinh lợi.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tăng cường sử dụng phần mềm quản lý F.CMS (Sbsoft – Container Management System) hoặc phần mềm - SPM VERSION 2.0A, quản lý công tác xếp dỡ, giao nhận
container để quản lý toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cảng chuyên dụng container, cảng ICD (Inland Clearance Depot), Depot Container và hoạt động giao nhận ngoại thương giữa các đại lý, hãng tàu kinh doanh vận chuyển container. Theo hệ thống này thì các máy trạm triển khai tại các bãi chức năng hoạt động trên phạm vi toàn cảng, các số liệu container luân chuyển từ khi nhập tàu, xuất nhập giữa các bãi trong cảng cho đến khi xuất ra khỏi cảng tuân theo quy trình logic các phương án tác nghiệp hoạt động mang tính chính xác nhất thời… Từ đó có thể tiết kiệm được chi phí quản lý, tập trung nhân lực để phục vụ tốt cho các công tác bốc dỡ, giao nhận hàng hóa của cảng giúp giải phóng tàu nhanh sẽ giải phóng được mặt bằng kho bãi phục vụ sản xuất, tăng sản lượng hàng hóa thông qua cảng, tăng tốc độ làm hàng tại bãi, nâng cao chất lượng phục vụ của cảng.

Các cảng cần đầu tư thêm phương tiện để công nhân làm hàng có thể di chuyển, đi lại trong cảng nhanh hơn. Vì hiện nay, hầu như ở tất cả các cảng khu vực TP.HCM, phương tiện di chuyển của nhân viên trong cảng chủ yếu là xe đạp, phương thức di chuyển này gây tốn nhiều thời gian và nguồn lực.

Đầu tư thêm cẩu và các xe đầu kéo có năng suất bốc/dỡ 2 TEU cùng một lúc sẽ rút ngắn được ½ thời gian làm hàng so với tốc độ làm hàng hiện tại. Như vậy sẽ giảm được hiện tượng tàu tồn đọng hoặc neo đậu chờ
cầu tàu.

Đối với trang thiết bị xếp dỡ hàng rời, hàng có bao bì thì cần đầu tư thêm cẩu có năng suất lớn hơn (khoảng 25-30 tấn/1 giờ). Vì hiện nay, đại đa số móc cẩu ở các cảng TP.HCM đều có công suất thấp (chỉ khoảng 20 tấn hàng/ 1 giờ), nếu tăng công suất và bổ sung thêm số lượng thì có thể rút ngắn thời gian làm hàng rất nhiều và từ đó có thể giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng tàu, thời gian tàu neo đậu chờ cảng sẽ giảm, hạn chế được hiện tượng ùn tắc cảng.

Bên cạnh đó, hàng rời không đóng bao như lúa, gạo, ngũ cốc, lúa mì… với khối lượng lớn và mặt hàng này đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian để bốc dỡ nhưng cước phí này rất thấp lại đòi hỏi đầu tư nhiều sức lực của công nhân. Hoạt động này không mang lại hiệu quả kinh tế cho cảng cũng như làm giảm hiệu suất bến bãi. Song, cảng không thể không tiếp nhận loại hàng này. Vì thế, để khắc phục tình trạng này thì cảng nên đầu tư thêm hệ thống bơm thủy lực tự động và xây dựng hệ thống ống dẫn từ các máng hàng đến các kho hoặc xe tải. Nếu hàng phải chuyển vào kho để đóng bao thì trong kho nên xây các bồn chứa dạng phễu để dẫn hàng đưa vào trong bao, hạn chế việc đóng hàng trực tiếp từ tàu vào bao.

Mặt khác, để tiết kiệm thời gian và sức lực trong công tác giải quyết cho phương tiện vận tải vào cảng để giao/nhận hàng hóa thì các cảng cần lắp đặt một hệ thống máy tính và cài chương trình quản lý thông tin nội bộ để thương vụ Cảng, trạm cân và bảo vệ có thể theo dõi và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Rõ ràng là việc ùn tắc cảng sẽ làm ảnh hưởng đến hầu hết các bên tham gia hoạt động XNK mà hậu quả cuối cùng là gây ra lãng phí xã hội rất lớn. Một trong những nguyên nhân khiến việc giải phóng tàu chậm là do công tác tổ chức tiếp nhận, điều động tàu, xếp dỡ, giao nhận... của đơn vị còn nhiều thiếu sót. Trong các quy định về xếp dỡ, giao nhận hàng tại cảng, còn quá nhiều công đoạn và thủ tục trong các quy trình cùng với trang thiết bị lạc hậu và nguồn nhân lực không mấy chuyên nghiệp đã góp phần gây ra hiện tượng ùn tắc tại cảng. Do đó, việc giải quyết triệt để hiện tượng ùn tắc cảng sẽ giúp VN giảm thiểu tối đa những chi phí vô ích, tiết kiệm được ngân sách quốc gia.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp khắc phục ùn tắc cảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO