(Vietnam Logistics Review) Sự hình thành và hoạt động của các trung tâm logistics có thể gây ra những hệ lụy trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bài viết này tổng kết một số tác động và biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng môi trường của các hoạt động logistics chính, từ cung ứng, kho bãi, vận chuyển cho đến tổ chức giao nhận.
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Hầu hết phương tiện vận chuyển hàng hóa đều kéo theo sự gia tăng chất thải.
Khí thải từ máy bay làm ô nhiễm khu vực nhạy cảm nhất của khí quyển. Theo Tổ chức Liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), khói thải từ máy bay chiếm 3,5% nguyên nhân làm cho trái đất ấm dần lên. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, các chuyến bay từ châu Âu tạo ra lượng khí thải lên tới 440.000 tấn mỗi ngày.
Ảnh minh họa
Vận tải đường sắt, đường bộ cũng xả khí thải độc hại và tiếng ồn. Tại Việt Nam, chất thải và rác vẫn xả trực tiếp xuống hai bên đường sắt, gây ra các phản ứng phá hủy thiết bị đường sắt, gây ô nhiễm môi trường và cuộc sống cộng đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến bụi bẩn, hóa chất, tiếng ồn, độ rung ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình chuyên chở, xếp dỡ hàng rời, hàng độc hại…
Vận tải biển đang là ngành gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất do sự gia tăng về số lượng cảng biển và mật độ tàu thuyền, do các vụ tràn dầu trong quá trình nhận, trả hàng, tiếp nhận nhiên liệu, do việc sửa chữa, vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ.
Chỉ tính riêng quá trình xây dựng và khai thác cảng sông, cảng biển, cũng gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. San lấp, phá nổ tạo mặt bằng ảnh hưởng đến sử dụng đất, tái định cư, chất lượng không khí, tiếng ồn và rung động. Việc nạo vét định kỳ luồng lạch dẫn tàu, vùng neo tàu và vùng quay trở tàu gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái cảng biển, hoạt động ngư nghiệp và sản lượng đánh bắt thủy sản. Các hoạt động bốc xếp hàng hóa, vận chuyển hàng hóa ra vào cảng,… cũng như sinh hoạt của cán bộ công nhân cảng và thủy thủ trong thời gian tàu neo đậu cũng ảnh hưởng đến phong cảnh và du lịch, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước.
Ảnh minh họa
Đó là chưa kể đến các tác động môi trường tiềm tàng khác. Trong bùn đáy, nhất là ở đô thị, khu công nghiệp và vùng cửa sông, hàm lượng các tác nhân ô nhiễm có độc tính cao như kim loại nặng, dầu mỡ, các hydrocacbon đa vòng... thường khá cao. Do vậy, việc nạo vét và đổ bỏ bùn đáy có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, thủy sản, thủy lợi. Hoạt động nạo vét còn làm thay đổi địa hình đáy, bóc bỏ lớp cư trú của động vật đáy, tác động xấu đến hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, việc tăng độ sâu, độ rộng của luồng tàu có khả năng làm thay đổi chế độ thủy văn, gia tăng xâm nhập mặn và có thể tạo điều kiện gây bồi lắng hoặc xói lở vùng xung quanh. Việc cải thiện tuyến giao thông thủy còn làm tăng mật độ tàu thuyền, từ đó có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ tàu và sự cố tràn dầu.
Giảm thiểu tác động môi trường bằng cách nào?
Bên cạnh hoạt động công nghệ như xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu..., đổi mới sản phẩm đang là xu thế chung trên thị trường thế giới. Hầu hết tác động về môi trường có thể tránh được triệt để ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng bằng cách kết hợp đưa xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm.
Trong giai đoạn tìm nguồn cung ứng, các chuyên gia thu mua có thể tham gia vào khâu kiểm toán môi trường thực hiện bởi một bên thứ ba. Một ví dụ điển hình của giai đoạn này là việc các công ty sản xuất giày ở Trung Quốc tìm kiếm những chất liệu thân thiện môi trường như một loại keo được quốc tế công nhận để dán đế giày hay sử dụng giấy tái chế để làm hộp đựng giày.
Tiếp đến, trong quá trình sản xuất thực tế, doanh nghiệp nên tập trung thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm. Việc sử dụng các công cụ như ISO 14000 có thể giải quyết nhiều khía cạnh khác nhau của quản lý môi trường, giúp doanh nghiệp xác định và kiểm soát tác động của họ lên môi trường.
Kết quả phân tích chu kỳ sản phẩm của công ty Coca-Cola đối với ba nhãn hàng dẫn đầu đã chỉ ra rằng đóng gói là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng đóng góp vào việc tăng lượng khí thải. Công ty đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm giảm từ 25%-50% trọng lượng sản phẩm. Công ty đóng gói ‘PlantBottle’ của Coca-Cola đã thực hiện một phần dự án này, giúp giảm được 100.000 tấn khí carbon kể từ năm 2009. Chương trình Năng lượng sản xuất và khí thải carbon của Công ty Nike cũng đã giúp các nhà thầu phụ giảm 6% lượng khí thải carbon từ năm 2008 đến 2011, mặc dù sản lượng tăng 20%.
Nghiên cứu phát triển hệ thống GTVT bền vững, thân thiện với môi trường, kiểm soát các thành phần gây ô nhiễm trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong nỗ lực phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể cộng đồng.
Khau hieu bao ve moi truong
Những công ty logistics hàng đầu thế giới đều quan tâm đến việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Từ lâu, FedEx đã nỗ lực đầu tư cho đội bay Boeing 777F tiết kiệm nhiên liệu hay các xe hoạt động bằng điện nhằm giảm thiểu khi thải carbon. DHL áp dụng chương trình Smart Trucks ở những thị trường mới như Ấn Độ, lựa chọn đường đi ngắn nhất và nhanh nhất cho các tài xế dựa trên các kỹ thuật nhận hàng và giao hàng thông minh, để có thể giảm đến 15% tổng khí thải.
Đối với các dự án xây dựng cảng sông và cảng biển, cần sàng lọc vị trí các vùng dự án, lựa chọn vùng dự án xa nơi cư trú, bãi đẻ chính của tôm cá, có kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh vật hoang dã, thiết kế luồng phù hợp dựa theo nghiên cứu thủy văn. Mặt khác, cần đánh giá các phương án đổ bùn, quan trắc thường xuyên quá trình nạo nét và đổ bỏ bùn đáy, xây dựng phương án phòng chống sự cố tràn dầu và đào tạo nhân lực giải quyết sự cố. Đó là chưa nói đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm cấp nước, giao thông, trạm xử lý chất thải…
Nhìn chung, các biện pháp đó đều cần đến sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực logistics. Đó là một khoản chi phí không nhỏ nhưng cũng là khoản đầu tư bắt buộc và cần thiết để phát triển bền vững và sinh lợi lâu dài trong một thế giới ngày càng coi trọng việc bảo vệ môi trường.