Đi khắp các cảng biển miền Trung như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng)... đều nhận thấy từng đống gỗ găm cao như núi và tàu "ăn hàng" gỗ dăm trước bến cảng. Xin thưa, đó là tàu làm hàng cho đối tác Nhật Bản, Trung Quốc...
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, được VietnamNet đưa tin, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 812,8 triệu USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường Nhật 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các mặt hàng liên quan đến gỗ đều tăng trưởng âm, ở mức 16-78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân, lạm phát khiến tăng giá nhiều loại hàng hóa, tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản bị ảnh hưởng đáng kể. Chỉ riêng mặt hàng dăm gỗ và viên nén gỗ ghi nhận mức tăng trưởng dương, lần lượt là 5,5% và 27% trong nửa đầu năm nay.
Theo báo Thanh Niên, mặt hàng dăm gỗ năm 2022 xuất khẩu đạt giá trị đến gần 2,8 tỉ USD, tăng gần 61% so với năm 2021. Cũng theo VietnamNet, tính đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường Nhật thu về 316,5 triệu USD, viên nén gỗ đạt 191,1 triệu USD, lần lượt chiếm 38,94% và 23,5% tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này sang Nhật.. Điểm đến quen thuộc của mặt hàng này vẫn là Trung Quốc và Nhật Bản.
Tăng trưởng đột phá nhất chính là viên nén gỗ, năm 2022 đạt 818 triệu USD, tăng gần 81% so với năm 2021. Thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với một phần nhỏ xuất sang EU. Trong 3 tháng đầu năm nay, mặt hàng này đạt kim ngạch 212 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thuận lợi vì xu hướng ở một số nước chuyển sang nguyên liệu này khi nguồn cung xăng dầu căng thẳng, đặc biệt trong năm 2022. Tuy nhiên, tình hình chung của cả ngành vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.
Chuyên gia ngành gỗ nhận định, Nhật Bản đang phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng dăm gỗ và viên nén gỗ, do đó nhu cầu về những mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, cần đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, khoảng 38.662 USD/người trong năm 2022.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, do ảnh hưởng bởi lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này của Nhật Bản chậm lại, hoạt động xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam chịu tác động.
Thời gian tới, nếu kinh tế phục hồi trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người Nhật Bản. Vì vậy, việc tận dụng hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản sẽ thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan tới thị trường này.