Gs.TS Võ Tòng Xuân: "Quản lý tốt chuỗi cung ứng là đòn bẩy phát triển kinh tế"

26/03/2015 15:40

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Đó là lời khẳng định của GS. TS. Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Vietnam Logistics Review về đề tài Vai trò chuỗi cung ứng và logistics trong chiến lược phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

(Vietnam Logistics Review) Đó là lời khẳng định của GS. TS. Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Vietnam Logistics Review về đề tài Vai trò chuỗi cung ứng và
logistics trong chiến lược phát triển kinh tế
vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

- ĐBSCL có thế mạnh xuất khẩu (XK) nông – thủy sản lớn nhất cả nước với các sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, thủy sản, rau quả... Tuy nhiên giá trị mà nó đem lại vẫn chưa như mong đợi. Thưa ông, nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Chúng ta thiếu sự tổ chức, quy hoạch, quản lý để thiết lập chặt chẽ một chuỗi giá trị của sản phẩm và một chuỗi cung ứng hoàn thiện. Chẳng hạn như việc XK gạo. Gạo VN số lượng nhiều, chất lượng thấp, với khoảng 70% lượng gạo XK của VN là gạo có phẩm cấp thấp (25% tấm) nên khó tiếp cận vào các phân khúc thị trường cấp cao. Trong khi đó, phân khúc cấp trung, cấp thấp lại có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh, đưa đến giá bán và lợi nhuận giảm. Mới đây, có vài DN đã nhận ra vấn đề, do vậy, họ đã xây dựng vùng nguyên liệu tại Cai Lậy (Tiền Giang) đặt dưới sự giám sát và tư vấn của công ty bên Đức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, đem lại giá trị XK lớn, nhưng ngặt nỗi là Hiệp hội Lương thực VN (VFA) không cho XK, họ đành phải bán trong nội địa. Điều này làm mất đi cơ hội quảng bá cho thương hiệu hạt gạo VN ra thế giới mà còn làm nản lòng các DN muốn phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Gần đây, Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang cũng làm theo cách này với sự giới thiệu của Bộ NN&PTNT nên đã XK sang Nhật với giá khá cao.

- Vậy là trong chuỗi giá trị vấn đề xây dựng thương hiệu của chúng ta hầu như còn nhiều hạn chế?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Đúng như vậy. Muốn sản phẩm gạo có thương hiệu thì buộc phải lựa chọn giống có chất lượng cao, rồi phải kết hợp với qui trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn, sau đó là tập kết vào nhà máy xay xát và đóng gói sản phẩm. Vấn đề xây dựng thương hiệu các công ty XK gạo phải làm. Ở Thái Lan chỉ có 3 giống lúa chất lượng cao phân phối cho nông dân sản xuất theo qui trình. Sau đó, tập kết về nhà máy xay xát, đóng gói, các công ty XK cứ theo đầu mối đó mà làm, nên sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Ở VN lâu nay ta vẫn làm theo kiểu tới đâu hay tới đó. 90% công ty XK mua lúa từ thương lái. Các thương lái thì cho ghe đi từ đầu kênh đến cuối kênh, có loại lúa nào thu hoạch thì mua loại đó trộn lẫn vào nhau, nên không thể xây dựng được thương hiệu.

- Có cách nào đột phá để gỡ bỏ những hạn chế trên không, thưa ông?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Cách thì đã có sẵn từ lâu, vấn đề là chúng ta có chịu cải cách để thực hiện hay không mà thôi. Mới đây, gạo Campuchia trở nên gạo ngon nhất thế giới là bài học đáng để chúng ta suy gẫm. Chuyện là vậy: Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp kinh phí cho một công ty viện trợ Campuchia. Các chuyên gia Úc giúp xác định giống lúa tốt, nhân giống và huấn luyện 6 DN tư nhân làm đúng cung cách quốc tế từ thu mua đến nhà máy xay xát, đóng gói bao bì. Nhờ vậy mà 6 DN này đều có thương hiệu và hân hạnh đi dự Hội chợ Quốc tế để phổ biến thương hiệu, còn ở VN thì không có đơn vị nào.

- Dường như lĩnh vực cây ăn quả và thủy sản cũng rơi vào trường hợp trên, phải không ông?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Đúng vậy. Trái cây của ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng để XK, nhiều loại trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng nhưng sản lượng và chất lượng thiếu tính ổn định, chưa có thương hiệu đặc trưng. Ở các nước, người ta qui hoạch trồng cây gì, ở vùng nào, bao nhiêu hecta rất rõ ràng để quản lý chặt chất lượng và số lượng, nhằm đem lại lợi ích cho nông dân. Đằng này, chúng ta liên tục với điệp khúc trồng rồi chặt, hoặc được mùa thì rớt giá, làm cho nông dân luôn lận đận với mảnh đất và thành quả lao động của mình.

Tương tự. Lĩnh vực thủy sản cũng vậy. Nền sản xuất phân tán, tự phát dẫn tới hạn chế các nguồn lực để ngành thủy sản ĐBSCL vươn lên. Hạn chế lớn nhất trong sản xuất và chế biến thủy sản ở ĐBSCL chính là sự phối hợp, liên kết vùng kém hiệu quả. Bên cạnh đó là sự liên kết giữa nhà nước-nhà khoa học-nhà DN-nhà nông-ngân hàng vẫn còn mang tính hình thức. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt các DN chế biến thủy sản XK phải xây dựng, chăm sóc các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhằm chọn giống tốt, thức ăn chăn nuôi, xác định bệnh dịch... để xử lý làm cho hàng hóa tốt hơn, tránh bị trả về. Các ao nuôi cần được quy hoạch lại một cách hợp lý. Bởi lâu nay, chúng ta vẫn làm theo cách nước xả ra của ao này lại là nước vào của ao kia, dẫn đến dịch bệnh lan tràn khó kiểm soát, nên chất lượng hàng hóa bị giảm sút nghiêm trọng, làm giảm giá trị của sản phẩm, thậm chí là mất trắng tiền của, công sức.

- Vậy, giải pháp cơ bản cho vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân vùng ĐBSCL chủ yếu là xây dựng chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng cho nông – thủy sản phải không thưa ông?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Trước mắt là như thế trước đã. Để xây dựng chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng cho nông – thủy sản ĐBSCL, cần tập trung đẩy mạnh liên kết giữa DN với DN và nông dân với nông dân. Nhờ việc gắn kết này, sẽ làm nên những vùng nguyên liệu chuyên canh, nông dân ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật theo qui trình sản xuất tiêu chuẩn trên thế giới. Một vấn đề khác cũng khá quan trọng là cần phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp chế biến ở ĐBSCL, tránh tình trạng đầu tư phát triển công nghiệp chồng chéo, các địa phương chạy theo lợi ích cục bộ làm tổn hại tới lợi ích chung của toàn vùng.

- Thưa ông, ông nghĩ gì về thế mạnh logistics sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế cho ĐBSCL?

GS.TS Võ Tòng Xuân: Hệ thống logistics tốt đương nhiên sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế của ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề này phải đồng bộ một cách toàn diện. Hiện nay, trên khắp đất nước ở đâu người ta cũng làm dàn trải nên hiệu quả phát huy từ chính sách đầu tư công không cao. Đây là một đề tài lớn, có dịp chúng ta sẽ trao đổi sau. Theo tôi, hiện nay, ĐBSCL có thế mạnh lớn để phát triển hệ thống logistics. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao có ít nhà đầu tư tham gia? Vấn đề đặt ra ở đây là một trăn trở lớn. Chúc Vietnam Logistics Review ngày càng phát triển.

- Xin cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe và hạnh phúc.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông sản của cả nước, với khoảng 4.000.000ha đất trồng lúa, 800.000ha nuôi thủy sản và 300.000ha trồng cây ăn quả. ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo XK của cả nước. Năm 2014, các địa phương ĐBSCL khai thác thủy sản đạt hơn 2,4 triệu tấn, trong đó có 1,2 triệu tấn cá tra và 400.000 tấn tôm phục vụ chế biến, XK đạt giá trị 3,2 tỷ USD.

Năm 2014, lĩnh vực sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL đạt được kết quả đáng phấn khởi nhờ thực hiện chương trình sản xuất rải vụ 5 loại trái cây là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Các loại trái cây đặc sản này đã cho sản lượng cao, góp phần nâng tổng khối lượng XK cây ăn quả của Nam bộ đạt 1,6 triệu tấn, thu về gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Gs.TS Võ Tòng Xuân: "Quản lý tốt chuỗi cung ứng là đòn bẩy phát triển kinh tế"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO