Hạ tầng logistics: Nan giải bài toán đồng bộ

Từ Tâm|12/10/2022 15:55

Để giảm chi phí trong logistics, Việt Nam cần có nguồn lực lớn đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ... và cần có thời gian. Riêng đối với việc cải cách thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, là điều chúng ta có thể làm được ngay, cần làm ngay.

Nan giải không cá biệt

Đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Hậu Giang tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đòn bẩy cho logistics nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo này thu hút sự quan tâm rộng rãi, với không chỉ Hậu Giang. Các ý kiến đều chỉ ra thực trạng cũng như đưa ra giải pháp góp phần tháo gỡ những rào cản về logistics đang tồn tại, yếu kém thời gian qua.

container-yard-dusk-shanghai-yangshan-deepwater-port-compressed.jpg

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như những khó khăn tồn đọng, vùng sản xuất, hạ tầng logistics.

Thực tế hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn.

Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Trong khi đó, một số cảng trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng...

Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn... Hàng hóa nông sản vẫn đang phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP. Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi. Thử hỏi sao chi phí logistics không cao, hàng hóa không mất đi tính cạnh tranh?

Tất nhiên, hạ tầng, kết nối... không chỉ là câu chuyện riêng của Hậu Giang hoặc rộng hơn là ĐBSCL, mà thực sự đang là “điểm nghẽn” chung của cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra ba đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”, đến năm 2025 “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.

Hạ tầng "nghẽn" và bài toán "đồng bộ"

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) đã được đầu tư phát triển, kết cấu HTGT đã có những chuyển biến hết sức rõ nét. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hằng năm đều công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh. Theo đó thì chỉ số cạnh tranh của cơ sở HTGT Việt Nam đều tăng. Nhìn chung, sự phát triển của kết cấu HTGT trong thời gian gần đây đã bước đầu đáp ứng yêu cầu vận tải để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế.

container-terminal-wharf-transport-compressed.jpg

Nhận thức rõ vị trí của HTGT, nên không chỉ chắt chiu đồng vốn, phát huy cao độ nguồn lực theo hình thức đầu tư PPP vào phát triển HTGT mà ngay trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều có những sự khác biệt.

Cuối tháng 7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải”. Đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thành 3.000 Km đường cao tốc, năm 2030 hoàn thành 5.000 Km đường cao tốc.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đã và đang triển khai là 1.932 Km. Số Km cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290 Km. Như vậy, nếu tính cả các công trình đã đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai, Việt Nam sẽ có 3.222 Km đường cao tốc. Ở các địa phương trọng điểm của các Vùng như Hà Nội, TP.HCM cũng đang triển khai rất nhiều dự án về HTGT.

Phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống HTGT của Việt Nam còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn yếu. Đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa còn nhiều bất cập.

Cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún. Đặc biệt là tại các khu vực kinh tế trọng điểm còn thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, ít lợi nhuận trong chuỗi giá trị. HTGT đang là rào cản lớn, điểm nghẽn làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm. Đó là chưa nói đến sự lạc hậu của hạ tầng đường sắt; hạn chế về năng lực của đường thủy nội địa.

“Đường thủy nội địa được đầu tư rất ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên, vì thế hạ tầng đường thủy nội địa (cầu, bến cảng, luồng lạch) cũng như phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ còn lạc hậu, chủ yếu vận tải hàng rời, ít container vì thế đã hạn chế vận tải đa phương thức”, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, TS.Bùi Thiên Thu chia sẻ.

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đã được đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như lưu thông trong nước. Tuy nhiên, các khu bến cảng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế rất ít.

Việt Nam đã có cảng cửa ngõ quốc tế hiện đại (khu Cái Mép – Thị Vải) đón được các tàu container siêu lớn chuyên chở hàng hóa đi châu Âu, bờ Đông và Tây nước Mỹ nhưng do HTGT kết nối còn thiếu, luồng hàng hải một chiều và chưa đạt yêu cầu dẫn đến số tuyến vận tải hàng hải biển xa cũng như số lượng tàu cập cảng ít, chưa đáp ứng được toàn bộ hàng hóa ra biển xa.

Để giảm chi phí logistics, Việt Nam cần có nguồn lực lớn đầu tư hệ thống HTGT kết nối đồng bộ... và cần có thời gian. Trong đó, cải cách thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, là điều chúng ta có thể làm được ngay, cần làm ngay.

Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra các nhiệm vụ nhằm phát triển bền vững ngành dịch vụ logistics với 6 mục tiêu cụ thể.

Theo đó, “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% – 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% – 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. Thời gian chỉ còn hơn 3 năm để thực hiện các mục tiêu trên.

Bài liên quan
  • Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến
    Thư toà soạn: Ngoài tình hình chung về kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ logistics Việt Nam năm 2022 cũng gặt hái nhiều thành quả, góp phần khôi phục và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng logistics: Nan giải bài toán đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO