Cần tập trung khơi thông "điểm nghẽn" hạ tầng logistics

TS. Võ Duy Nghi|12/10/2022 14:39

Cơ sở hạ tầng logistics là huyết mạch của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng logistics phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ sẽ giúp hàng hoá được lưu thông ra thị trường nhanh hơn, tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng logistics được nhà nước quan tâm đầu tư đáng kể, tuy nhiên nói chung vẫn còn  nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các phương thức vận tải và các vùng kinh tế đã tạo ra  nhiều điểm nghẽn, hạn chế tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối

Điển hình của việc chưa đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư thể hiện rất rõ trong các lĩnh vực then chốt của hạ tầng logistics. Hệ thống giao thông đường bộ hiện nay bao gồm nhiều cấp đường với các tiêu chuẩn khác nhau về chất lượng mặt đường, tiêu chuẩn cầu đường, tốc độ dẫn đến tình trạng các phương tiện vận tải bị hạn chế tốc độ, tải trọng khi di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác. Hệ thống cảng biển ngoài một vài cụm cảng nước sâu đủ khả năng cho các tàu lớn vào lấy hàng như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện còn lại đa phần là các cảng nhỏ phải trung chuyển hàng hoá sang các nước thứ ba.

arriving-truck-road-rural-landscape-sunset-compressed.jpg

Những năm vừa qua, nhà nước và nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư vào cảng sông để giảm tải đường bộ, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên các cơ sở hậu cần của cảng như kho bãi, phương tiện vận tải, xếp dỡ không được đầu tư đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả khai thác. Tương tự, với lĩnh vực đường sắt, phương thức vận tải được ưu tiên phát triển nhưng cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém, tốc độ chạy tàu và năng lực vận tải hạn chế nên đây cũng là điểm nghẽn của hoạt động logistics. Các ga hàng hoá lớn hiện nay của ngành đường sắt như Yên Viên, Đà Nẵng, Sóng Thần do mặt bằng chật hẹp, phương tiện vận tải bốc xếp lạc hậu nên khối lượng hàng thông qua ngành đường sắt không đáng kể so với đường bộ, đường biển. Đối với ngành hàng không, hiện nay các sân bay đang ở mức quá tải, việc xây dựng các sân bay mới kéo dài do vướng mắc các thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư... gây nên tình trạng ách tắc kéo dài. Mặt khác, hiện nay ngành hàng không Việt Nam chưa có hãng bay chuyên về vận tải hàng hoá, phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng hàng không nước ngoài.

Một điểm nghẽn cơ sở hạ tầng logistics nữa là thiếu tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Ngoại trừ một số cảng lớn, hầu hết các cảng biển ở Việt Nam đều không có kết nối với đường sắt trong khi đó phần lớn các cảng lớn trên thế giới đều quy hoạch kết nối với đường sắt để giảm tải đường bộ, giảm ách tắc hàng hoá tại cảng. Bên cạnh đó, các tuyến đường bộ kết nối vào cảng đều đang quá tải dẫn đến tình trạng hàng hoá ách tắc tại cảng, gây lãng phí. Các cảng sông hiện nay do nguồn lực hạn chế nên các chủ đầu tư chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cảng, không có kinh phí để xây dựng hệ thống đường bộ kết nối với cảng dẫn đến tình trạng phải giảm tải hoặc dùng phương tiện vận tải nhỏ hơn trung chuyển hàng hoá, phát sinh chi phí rất lớn.

aerial-top-view-railways-with-cargo-wagons-transportation-various-goods-by-rail-compressed.jpg

Nói đến điểm nghẽn của hạ tầng logistics không thể không nói đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ do vướng mắc các thủ tục hành chính về công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Chậm trễ triển khai các dự án hạ tầng logistics sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng do phát triển không đồng bộ với tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Cần thay đổi các quyết sách về quy hoạch, đầu tư

Chính phủ đóng vai trò chủ chốt và không thể thay thế trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng logistics. Đầu tiên phải nói đến công tác quy hoạch hạ tầng logistics. Trong những năm tới khi quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics cần lưu ý tính đồng bộ và tính kết nối các phương thức vận tải. Khi quy hoạch hạ tầng logistics phải đảm bảo được tính đồng bộ các hoạt động trong chuỗi cung ứng: đường sá, cảng biển, cảng sông, kho bãi, trung tâm logistics. Quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics phải bảo đảm tính kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Tránh tình trạng các bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định quy hoạch riêng lẻ, nhắm vào lợi ích cục bộ địa phương mà không tính đến tính kết nối và lợi ích chung của quốc gia. Các dự án cơ sở hạ tầng logistics lớn sắp được triển khai như sân bay Long Thành, Cảng Liên Chiểu, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam... cần rà soát xét lại tính kết nối với các phương thức vận tải khác và nếu cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch lại cho phù hợp.

Về lĩnh vực đầu tư nhà nước cần ưu tiên nguồn vốn, tập trung trọng điểm, tránh phân tán để bảo đảm tính đồng bộ và kết nối. Nhà nước cần tập trung nguồn vốn đầu tư một dự án hạ tầng logistics trọn gói: giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống cảng, kho bãi, cầu đường... Hạn chế tình trạng chia nhỏ các gói thầu hoặc nhiều chủ đầu tư cùng tham gia quản lý một dự án. Thực tế cho thấy, nếu đầu tư không đồng bộ hoặc chia nhỏ các gói thầu sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn dây chuyền như cầu chờ đường, cảng chờ kho bãi, kho bãi chờ thiết bị... gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.

transportation-logistics-compressed.jpg

Nhà nước cần tập trung nguồn vốn để cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới các hạ tầng đường bộ, cảng biển, kho bãi xuống cấp, lạc hậu để bảo đảm tính đồng bộ của chuỗi cung ứng vì mỗi một điểm nghẽn trong chuỗi sẽ có tác động lên toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt, một trong những lĩnh vực còn quá lạc hậu và yếu kém nhất của chuỗi cung ứng. Nâng cấp hạ tầng đường sắt sẽ góp phần giảm tải đường bộ, giảm bớt tắc nghẽn.

Cuối cùng cần các giải pháp hữu hiệu và chế tài nghiêm khắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng logistics. Với thực trạng cơ sở hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, yếu kém như hiện nay, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và quyết liệt triển khai hoàn thành các dự án giao thông đúng tiến độ sẽ giúp tháo gỡ bớt các khó khăn do tắc nghẽn về hạ tầng logistics.

Bài liên quan
  • Phát triển hạ tầng và luật hoá bất động sản logistics Việt Nam (Phần 1)
    Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng logistics, trước hết là các khu công nghiệp logistics, cụm logistics và trung tâm logistics và luật hóa các bất động sản logistics này ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Việc luật hóa bất động sản logistics và thị trường bất động sản logistics, đưa các vấn đề này vào Luật đất đai sửa đổi lần này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết và là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cần tập trung khơi thông "điểm nghẽn" hạ tầng logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO