Khái quát về hạ tầng logistics
Nhiệm vụ của logistics là đảm bảo cho quá trình cung ứng hàng hóa và dịch vụ một cách kịp thời, đồng bộ và thông suốt trên thị trường, trong quá trình đó, cơ sở hạ tầng logistics luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Cơ sở hạ tầng logistics là sự tích hợp các hạ tầng giao thông, thương mại, CNTT và các ngành dịch vụ khác cùng với hệ thống kho bãi, khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics (dành cho các doanh nghiệp logistics) trong nền kinh tế... là điều kiện cơ bản cho các hoạt động của hệ thống logistics vận hành trên thị trường một cách hiệu quả.
Cơ sở hạ tầng logistics được hiểu là tổng thể các yếu tố vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động logistics nói chung và các dịch vụ logistics nói riêng diễn ra một cách nhịp nhàng và hiệu quả. Cơ sở hạ tầng logistics bao gồm cơ sở hạ tầng “phần cứng” và hạ tầng “phần mềm”. Cơ sở hạ tầng phần cứng gồm hệ thống những công trình vật chất kỹ thuật, các công trình kiến trúc và các phương tiện tổ chức cơ sở hạ tầng mang tính nền móng cho sự phát triển của ngành như hệ thống đường kết nối cầu, đường, cảng biển, nhà ga, sân bay, KCN logistics, trung tâm logistics, bến bãi... Cơ sở hạ tầng phần mềm gồm toàn bộ công nghệ sử dụng, hệ thống phần mềm logistics và cơ chế vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách và con người quản lý sử dụng, hệ thống thông tin được sử dụng để quản lý quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Rõ ràng, với cơ sở hạ tầng logistics hiện đại cho phép đáp ứng hiệu quả các nhu cầu, các hoạt động logistics trong chuỗi cung ứng từ vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, bảo quản đến xử lý hàng hóa cũng như đảm bảo thông tin liên lạc giữa các mắt xích để tạo thành một dây chuyền “ tiếp tục sản xuất“ trong khâu phân phối, lưu thông hàng hóa dịch vụ làm gia tăng giá trị của các sản phẩm, hàng hóa.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế cơ bản đối với hệ thống logistics quốc gia hiện nay là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng kết nối và thiếu các bất động sản logistics (KCN logistics, cụm logistics và các trung tâm logistics...) ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ. Có thể nói, cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho các hoạt động tiếp tục sản xuất trong phân phối, lưu thông hàng hóa để làm gia tăng giá trị cho các hàng hoá và sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị trường, thậm chí có lúc, có nơi còn làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng hàng hóa, trong khi khối lượng và trị giá hàng hóa tham gia quá trình cung ứng ngày càng lớn. Ví dụ, các cảng biển nước sâu Việt Nam thiếu kết nối với các KCN logistics, trung tâm logistics thông qua hệ thống đường sắt để thu hút hiệu quả tàu biển có trọng tải lớn và thu hút hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia vào cảng biển Việt Nam. Hiên tượng tắc nghẽn giao thông, xe tải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài khi vào, ra cảng lấy hàng như ở Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng... vẫn xẩy ra thường xuyên...
Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do hiểu
biết và nhận thức chưa đầy đủ về logistics nói chung
và cơ sở hạ tầng logistics – bất động sản, thị trường
bất động sản logistics nói riêng. Qua kết quả điều tra
khảo sát tại các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng
dịch vụ logsitics tại một số địa phương, cho thấy, các
doanh nghiệp, hiểu biết mức thấp về logistics lên
tới 54,3%, hiểu biết mức trung bình là 35,3%, hiểu
biết từ khá trở lên về logistics chỉ có 10,3%, (hình
1). Mặc dù dịch vụ logistics đã được luật hóa từ năm
2005 với 8 Điều trong Luật Thương mại Việt Nam
và dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ quan
trọng, mũi nhọn của nhiều địa phương, thành phố
nhưng cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt các khu công
nghiệp logistics, cụm logistics, trung tâm logistics và
hệ thống kho tàng, bến bãi – bất động sản logistics lại
chưa được quan tâm, đầu tư và phát triển, chưa được
luật hóa, nhiều chính sách pháp luật Việt Nam vẫn
chưa đề cập đến các vấn đề quan trọng này. Trong
khi tất cả chúng ta thừa nhận một thực tế rằng “Quá
trình sản xuất sản phẩm chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước”. Ấy thế mà chúng ta lại không đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics một cách bài bản, xây
dựng và vận hành thị trường bất động sản logistics một cách hiệu quả, ngay cả các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics trong Nghị định số 163/2017/NĐ – CP, của Chính phủ, ngày 30/12/2017 chưa thật sự khuyến khích thu hút các doanh nghiệp logistics, tập đoàn logistics nước ngoài vào Việt Nam đầu tư kinh doanh.
Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có khu công nghiệp logistics nào dành cho các doanh nghiệp logistics trên cả nước mà chỉ trong các khu công nghiệp (dành cho các doanh nghiệp công nghiệp) ở các địa phương, thành phố, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm phân phối (trung tâm logistics) của mình để cho thuê kinh doanh và phục vụ sản xuất kinh doanh. Rõ ràng, đang có sự bất cập trong quy hoạch các khu công nghiệp và các trung tâm logistics (KCN logisics) ở Việt Nam, hình như chúng ta chỉ chú ý đến quy hoạch phát triển các KCN mà không tính đến các khu công nghiệp logistics dành cho các doanh nghiệp logistics và thương mại... (Đặng Đình Đào - 2019). Theo Bộ Công thương (2020), đến cuối năm 2019, cả nước chỉ có 69 trung tâm logistics tại 10 tỉnh, thành phố, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp phía Nam... quy mô dưới 10 ha, trong khi các KCN dành cho các doanh nghiệp công nghiệp cả nước có trên 369 KCN với trên 114 nghìn ha (Bộ KH&ĐT 2020).
(Còn tiếp phần 2: Sự cần thiết của việc luật hóa BĐS logistics).