Hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam: Lợi thế & những hạn chế

27/06/2017 15:50

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Việt Nam (VN) với số dân lên đến hơn 90 triệu người, là thị trường đầy tiềm năng cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). FMCG đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội hiện đại. Việc nắm rõ những lợi thế và hạn chế của ngành sẽ giúp doanh nghiệp (DN) phát triển đúng hướng.

(Vietnam Logistics Review)Việt Nam (VN) với số dân lên đến hơn 90 triệu người, là thị trường đầy tiềm năng cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). FMCG đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội hiện đại. Việc nắm rõ những lợi thế và hạn chế của ngành sẽ giúp doanh nghiệp (DN) phát triển đúng hướng.

Những lợi thế

Thị phần của các DN nội địa đang tăng lên nhanh chóng

Đặc biệt, có sự xuất hiện của những hình thức bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh mới như cửa hàng tiện ích, bán lẻ qua mạng,... Việc thực hiện cam kết của WTO, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ đã tạo nên động lực để các DN bán lẻ trong nước không ngừng thay đổi và hoàn thiện bản thân, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động từ Bắc chí Nam.

Giá cả và chất lượng có những bước tiến rõ rệt

Nếu trước đây, người tiêu dùng còn khá ái ngại khi đến mua hàng ở DN do giá cả thường cao hơn so với các tạp hóa bên ngoài, thì bây giờ, khách hàng có thể tìm thấy những mặt hàng với giá cả ổn định và thậm chí thấp hơn so với giá bán bên ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng hàng hóa DN cũng đã có nhiều sự cải thiện hơn trước, đồng thời áp dụng những biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm khiến cho người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm. Với hơn 90% hàng hóa nội địa, các DN bán lẻ VN đã lựa chọn cho mình những nhà cung ứng đạt tiêu chuẩn ISO, hàng VN chất lượng cao để gia tăng khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài. Xu hướng kết hợp với các nhà sản xuất để tạo ra nhãn hàng riêng mang thương hiệu của các DN Việt đang dần phát triển mạnh mẽ hơn, do giá cả thấp hơn mà vẫn giữ được giá trị của sản phẩm.

Hàng hóa có sự cải tiến cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng người Việt

Với lợi thế am hiểu thói quen tiêu dùng người Việt, với khả năng học hỏi nhanh, nhà bán lẻ trong nước đã thấu hiểu được nhu cầu thực sự của khách hàng qua từng thời điểm, từ đó có những sự thay đổi về hàng hóa để kịp thời đáp ứng yêu cầu của họ. Để khiến khách hàng an tâm về sản phẩm của mình, DN đã tiến hành kiểm tra hàng hóa thông qua các tiêu chuẩn như VietGap, ISO,... trước khi bày bán ra thị trường.

Hàng hóa của DN Việt được Chính phủ vận động tiêu dùng trên toàn quốc

Các nhà bán lẻ Việt đã nhận được nhiều sự giúp đỡ cũng như hỗ trợ từ Chính phủ và Hiệp hội bán lẻ VN AVR. Quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT đã có tác động tích cực trong việc hạn chế sự bành trướng của các DN bán lẻ nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN nội địa. Bên cạnh đó, những quy định về tiêu chuẩn, quy chế DN, trung tâm thương mại, cũng đã góp phần giúp cho DN Việt nhận thức được những cơ hội và thách thức khi VN đang ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.

Trước áp lực về giá, các DN trong nước bắt đầu hình thành mối liên kết

Các DN phân phối hàng đầu VN bao gồm Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty TNHH Phú Thái (PhuThai Group) đã liên kết, hợp tác với nhau để thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển hệ thống Phân phối VN – viết tắt là VDA. Công ty VDA ra đời nhằm liên kết các nhà phân phối lớn của VN, làm nòng cốt cho phân phối nội địa và bổ trợ lẫn nhau trong các giải pháp tổng thể về hậu cần, giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hóa, có đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài.

… Và những hạn chế

Về doanh thu Do quy mô vốn của DN còn nhỏ lẻ, khả năng huy động vốn còn yếu kém, lãi suất cho vay từ các ngân hàng còn khá cao,... khiến năng lực cạnh tranh của nhà bán lẻ nội địa không thể sánh bằng tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.

Thị phần đang dần dần rơi vào tay nhà bán lẻ nước ngoài

Nhà bán lẻ ngoại không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà còn hướng đến những khu vực tiềm năng trong tương lai. Trong khi đó, đa số DN bán lẻ Việt chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, mà quên đi tiềm năng tiêu dùng từ những khu vực khác. Sự quên lãng những khu vực tiềm năng trên thị trường nội địa đang khiến cho thị phần bán lẻ của DN nội rút lại một cách nhanh chóng.

Chất lượng dịch vụ khách hàng còn kém

Đội ngũ quản lý chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý những vấn đề phát sinh mà khách hàng gặp phải, gây mất thời gian và tâm lý không thoải mái cho khách hàng. Điều này làm mất đi lượng khách hàng lớn vào tay DN bán lẻ nước ngoài.

Trình độ áp dụng khoa học – kỹ thuật yếu

Số lượng DN bán lẻ Việt áp dụng hệ thống phần mềm quản lý ERP còn khá thấp. Bên cạnh đó, hạn chế trong hoạt động ứng dụng công nghệ và quy trình hậu cần và xây dựng website bán hàng cũng như quảng bá DN đã làm giảm đi hiệu quả trong vấn đề quản lý cũng như cầu nối của DN đến khách hàng.

Chưa có sự liên kết sâu rộng giữa các DN với nhau

Điều này khiến hiệu quả của liên kết giữa các nhà bán lẻ chưa thật tốt trên thị trường. Mặc dù, đã có sự thành lập của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển hệ thống Phân phối VN VDA nhưng chỉ mới hoạt động ở một số địa điểm nhỏ trong cả nước. Hiệp hội bán kẻ VN VAR vẫn chưa phát huy hết được vai trò của mình trong việc giành quyền lợi hợp pháp cho các thành viên, cụ thể là giành quyền ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp từ gói kích cầu của Chính phủ.

Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống bán lẻ truyền thống như chợ và các cửa hàng tạp hóa chiếm đến 80% tổng doanh thu bán lẻ, còn 20% còn lại thuộc về hệ thống bán lẻ hiện đại bao gồm doanh nghiệp, trung tâm thương mại và các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đây chính là điểm mạnh của thị trường Việt Nam, thể hiện được vai trò của nhà phân phối bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngành hàng với đặc điểm phải thông qua những trung gian thương mại để đến được tay người tiêu dùng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam: Lợi thế & những hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO